Sức sống của làng Hành Thiện, nơi 70 năm trước có hàng trăm người từng bị quy địa chủ – Kỳ II

0
61

Cán bộ cải cách nếu mang tư tưởng tiểu nông, khi gặp phải địa phương như Hành Thiện rất dễ nghĩ ai cũng là địa chủ ? Làng Hành Thiện quê tôi nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là mảnh đất người đông nhưng đất rất chật. Dù được quy hoạch rất đẹp và riêng phần đất thổ cư thì mỗi hộ đều bằng nhau tăm tắp (bằng đúng 1,5 sào Bắc Bộ, tức 540 m2). Thế nhưng đâu phải ai cũng có nhà, vườn trong thời kỳ trước CCRĐ.

Luật CCRĐ được ban hành

Những tưởng Hành Thiện là “đất quan” thì đều giàu có?

Không đúng!

“Nhất Đội nhì Giời” và những gì xảy ra tại ngôi làng cổ Hành Thiện

Ngôi làng này đã có những di biến động bất ngờ và cực nhanh về dân số trong giai đoạn từ 1945 đến 1955. Đó là con số gần 4 ngàn cư dân nhưng đã liên tục thay đổi lên xuống trong chục năm.

Đó là chuyện ngôi làng này từng có 200 người chết vì nạn đói hồi 1945; làng từng có trên 150 bộ đội và dân công phục viên sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trở về gia đình đoàn tụ; làng cũng có đến 400 người di cư vào Nam và ra nước ngoài trước năm 1954 (Theo cuốn Hành Thiện quê ta, 1945-2005; NXB Thanh niên, HN-2005).

Tuy nhiên, cũng có một số liệu khác của kiều bào ở hải ngoại viết, chưa được kiểm chứng từ sách báo trong nước thì phải có đến cả ngàn người Hành Thiện di cư (?).

Đó là chưa kể có hàng trăm người nữa sau biến cố CCRĐ, họ cũng bỏ quê đi tỉnh,thành khác mưu sinh để rồi trong làng chỉ còn khoảng 3.500 khẩu.

Nói vậy để thấy về bức tranh xã hội tại làng Hành Thiện thật là phức tạp và gián tiếp lý giải vì sao vẫn có sự xung khắc nhất định giữa các tầng lớp giai cấp đến thế.

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Xuân Hải, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cháu gọi ông Trường Chinh bằng bác ruột nay đã 79 tuổi. Ông từng có lần khẳng định với tôi rằng ông bà nội ông và cũng là song thân cụ Trường Chinh không hề bị đấu tố như người ta đã đồn thổi mấy chục năm qua .

Song ông Hải cũng nhận xét, nhiều khả năng xuất phất từ những những chuyện có thật trong chính gia tộc cụ Trường Chinh ngày đó. Có thể do nghe không hết mà thành hiểu nhầm hoặc có thể là suy diễn ác ý ?

Đó là những chuyện liên quan đến họ hàng của TBT Trường Chinh mà cũng bị đem ra đấu tố thì lại là sự thật rất đau lòng.

Cụ Đặng Xuân Viện có người anh ruột tên là cụ Đặng Xuân Mậu. Ở quê, cụ còn có tên là cụ Hai Thêm mà ông Trường Chinh gọi là bác ruột. Trong mấy người con trai của cụ tiến sĩ Đặng Xuân Bảng như cụ Đặng Xuân Viện… thì cụ Hai Thêm cũng được cha mình là Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng cho học hành cẩn thận tuy chỉ đậu Tú tài. Thực ra, “thần đồng” Đặng Xuân Bảng đậu tiến sĩ năm 29 tuổi thì trước đó nhà cũng rất nghèo khó. Chỉ nhờ có tự học qua sách vở và nhờ cha dạy mà các cụ nên người .

Ở làng Hành Thiện, kiểu như gia đình cụ thì được xem là “gia đình có máu mặt” và “có bát ăn bát để”. Thế cho nên cụ Hai Thêm cũng trở thành “đối tượng” của các ông Đội cải cách nhòm tới, truy bức…

Một nhà nho có học như cụ Đặng Xuân Mậu mà bị đưa ra đấu tố rồi bị vu khống trắng trợn thì cụ coi đó chính là sự xúc phạm khiến mình bị tổn thương. Cụ có người con trai là Đặng Xuân Khang, khi đó đang tham gia Vệ quốc đoàn (ngay từ những ngày đầu kháng chiến), từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt trong đó có trận Điện Biên Phủ… càng khiến cụ đau đớn bội phần. Một đêm nọ, do không còn kiểm soát được mình, cụ Mậu vì quá uất ức nên tìm đến cái chết tự treo cổ .

Cụ Mậu chính là 1 trong số 5 người của làng Hành Thiên quê tôi bị quy địa chủ dẫn đến bi kịch bằng cách treo cổ tự vẫn dù cả làng tôi, tuy có đến hàng trăm địa chủ nhưng cũng không ai bị đội cải cách bức tội xử bắn.

“Người bị xử bắn tại làng tôi lại là ông bí thư Đảng uỷ xã tên Hạnh, người bên thôn Dũng Trí được trên điều về. Ông “xã Hạnh” từng bí mật đi theo cách mạng ,nếm mật nằm gai đủ cả nhưng rồi vẫn bị dân thôn bên ông họ tố và bị du kích xử bắn. Do hồi hộp hay thế nào đó, họ phải bắn đợt thứ hai ông mới nhắm mắt” – Kỹ sư Nguyễn Mạnh Nguyên buồn bã nhớ lại .

Một ngày về quê, người chiến sĩ vệ quốc đoàn Đặng Xuân Khang đã đổ gục đầy đau đớn trước mộ người cha. Mọi sự khi đó đã quá muộn. Sau này, gia đình anh cũng đã được sửa sai, hạ thành phần cho cụ Mậu. Cũng còn may là chuyện đó đã diễn ra sớm hơn trước cái năm anh hy sinh tại chiến trường Khu 4 khi máy bay Mỹ đánh ra Bắc để anh yên lòng nhắm mắt.

Chuyện nữa, lại là trong gia đình ông Trường Chinh cũng gặp oan trái từ CCRĐ.

Thân phụ ông Trường Chinh có hai bà vợ. Bà hai của cụ tên là Chấn. Cụ bà lại sang ấp Tả Hành, huyện Vũ Thư,Thái Bình sinh sống. Do làng tôi đất chật người đông cho nên nhiều gia đình cũng đã sang ấp này mưu sinh. Thực chất, đây cũng là hình thức khai hoang của thời xưa mà cụ Nguyễn Công Trứ đã có công mở mang cho cả một vùng đất ở Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình hiện nay .

Ấp Tả Hành vốn heo hút nhưng mà người em cùng cha khác mẹ với ông Trường Chinh là ông Đặng Xuân Quát chính là nơi đi về bí mật của ông anh mình cùng nhiều đồng chí khác nữa trong những năm 1938-1939.

Ông Đặng Xuân Quát được giác ngộ cách mạng cũng từ đó và từng có chân trong cấp ủy địa phương. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Quát đã làm tới chức phó Trưởng ty Y tế Thái Bình. Ấy vậy mà trong CCRĐ, ông bị lôi về ấp Tả Hành để nghe đấu tố rồi quy tội địa chủ dù ai bên đó cũng biết, ông là em trai Tổng bí thư Trường Chinh.

Ông Đặng Xuân Quát bị trói giật cánh khuỷu để nghe những bần cố nông đùng đùng nổi giận y như kịch bản của đội cải cách dựng nên.

Vợ ông Quát là bà Nguyễn Thị Hồng. Mẹ ông Quát là cụ bà Chấn đều bị đem ra đấu tố. Họ truy bức rằng gia đình cất giấu vàng bạc ở đâu?

Cán bộ đội cải cách, mới đầu thì còn ngọt nhạt, sau cáu tiết trói nốt cậu bé Đặng Xuân Hải lại rồi dùng roi tre đực quất vào người tra khảo với một câu hỏi: của cải nhà mày giấu ở đâu?

Mấy mẫu ruộng cùng một con trâu, một cái xe đạp của nhà ông Quát sau đó bị tịch thu. Đội CC đã chia quả thực cho bần cố nông.

Sự việc rồi cũng dần trôi. Ông Quát cũng cởi được cái ách địa chủ khi sửa sai. Rất may là ông còn chịu đựng giỏi, không vì uất ức mà tự vẫn như bác ruột mình, cụ Đặng Xuân Mậu.

Cuối đời, trước khi nghỉ hưu, ông cũng lên đến chức Chi cục phó Chi cục Dâu Tằm Tơ của tỉnh Thái Bình như một sự an ủi.

Các con ông sau này cũng vương trưởng. Nó như một sự bù đắp nào đó cho người cha quá oan trái. Con ông, người thì là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, người thì Vụ trưởng bên Thanh tra Chính phủ, người thì Viện trưởng một viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Việt Nam…

Theo cụ Nguyễn Mạnh Nguyên, nguyên là kỹ sư của Bộ Giao thông Vận tải ,nay đã 84 tuổi,nhà ở xóm 10, kể cho tôi nghe rằng, hồi CCRĐ,mình có ra đình làng theo dõi các vụ xử địa chủ thì thấy Đội CC dán lên tường ngôi đình tờ giấy rõ to. Họ đề danh sách 178 nhận vật của Hành Thiện sẽ lần lượt bị đấu tố địa chủ. Ông Nguyên ngay ngày đó cũng đã thấy khó hiểu do có khá nhiều người trong danh sách này không còn ở quê. Họ đã lên các thành phố sinh sống như các ông Tú Vũ, ông Hội Như… Hoạ may họ chỉ là người có nhà ở quê chưa bán hoặc có người thân trông coi…

Chúng ta hãy thử tưởng tượng, một ngôi làng ở đồng bằng Bắc Bộ với dân số trên dưới khoảng 3500 người. Từ đó mà cùng phân tích thì sẽ vỡ ra nhiều điều. Nếu lấy số liệu của năm 1955,tính ra diện tích mét vuông/ đầu người trong làng thì chẳng là bao vì chỉ có 100 ha đất nội đồng và thêm đất bãi bồi ( 62 ha). Còn nếu chỉ tính đất vườn + thổ cư thì cũng chỉ có 18 ha. Vậy mà không hiểu người ta tính kiểu gì mà làng Hành Thiện có tới 178 “địa chủ bóc lột” được ghi trong danh sách chờ bị đấu tố ở Đình làng thì thật kinh hoàng nếu không nói là bi thương và đau đớn.

Có người uất ức do ra đường thấy cảnh cụ già phải cúi chào đứa trẻ con mà tự vẫn. Nghe nói cụ đó còn nghe chúng gọi tên trống không mình, nguyền rủa mình là “thằng địa chủ độc ác”… Như vậy thì đau thật nếu như họ đúng là người hiền lành,có học hành tử tế và không bóc lột ai .

Rồi làng tôi còn có biết bao “địa chủ” tham gia kháng chiến, ủng hộ vật chất cho cách mạng. Họ còn cho con đi theo cách mạng từ khi Đảng Cộng sản còn trong bóng tối. Ví dụ như trường hợp Giáo sư Đỏ Nguyễn Thế Rục , người từng học đại học tại Pháp rồi sang Liên Xô ( cũ) học Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản rồi học tiếp Trường Giáo sư Đỏ . Ông trở về nước tìm gặp đồng chí của mình theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và cùng Tổng bí thư Trần Phú soạn thảo Luận cương Chính trị năm 1930. Ông Thế Rục đi làm cách mạng nhưng vì sức khoẻ yếu (bị lao phổi) nên không thể “3 cùng” (vô sản hoá) với thợ thuyền mà phải dùng tiền chu cấp từ cha mình gửi lên Hà Nội để hoạt động cách mạng (cũng là diện địa chủ ở làng). Nếu ông Nguyễn Thế Rục mà còn sống( ông mất năm 1938) lúc CCRĐ thì sẽ thấy đau lòng thế nào về chuyện họ đã đấu tố gia đình mình?

Theo kỹ sư khí tượng Đỗ Quang Huyên, người làng Hành Thiện quê tôi. Ông có viết cuốn sách” Hành Thiện quê ta 1945-2005″, (Nhà xuất bản Thanh niên; HN; năm 2005) đầy tâm huyết và thực tế thì Hành Thiện cũng như nhiều vùng quê khác. Việc thực hiện CCRĐ đã phạm sai lầm lớn một phần cũng từ chuyện Đảng ta tại một số nơi đã tự đánh mất vai trò tổ chức đảng dưới cơ sở. Khi đó chi bộ rất yếu. Họ đã bị Đội CC làm cho tê liệt rồi cho vô hiệu hoá cái chi bộ đảng ở Hành Thiện chỉ trong một tháng.

Cái câu “Nhất Đội, nhì Giời” có lẽ là không sai nếu nhìn từ những câu chuyện ở quê tôi.

Trong khi trước đó, trong suốt hơn 4 năm quân Pháp chiếm đóng, chúng không thể làm gì nổi làng chúng tôi.Thậm chí cả đến lãnh đạo xã cũng bị họ lôi ra đấu tố đến chết mà Hành Thiện là một ví dụ…

Ban ngày nông dân phải ra đồng, tối về họ cố nghĩ ra chuyện để còn đấu tố khiến ai cũng mệt mỏi. Với một làng có chút học hành nên cũng ít hơn nơi khác về cái khoản dân họ dựng đứng chuyện nhằm hại người…

Theo cuốn sách trên của tác giả Đỗ Quang Huyên thì làng Hành Thiện chính thức cũng chỉ có trên một trăm địa chủ. Sau khi sửa sai thì con số được xuống thành phần cũng đã hết nửa. Oan khuất ở chỗ nhiều nhà khi bị lôi ra đấu tố đã không sống nổi ở quê. Họ đã bán nhà cửa (nếu như còn) để đi nơi khác. Một số người, vì an toàn cho mình mà ác khẩu với hàng xóm thì thấy xấu hổ nên cũng bỏ quê mà đi. Tuy nhiên, cũng không nhiều vì làng tôi vốn là mảnh đất trọng chữ, sống hiền hoà với nhau…

Người cày có ruộng

Truyền thống và sức sống Hành Thiện

“Sự khác biệt của làng Hành Thiện là cả làng cùng học, giàu nghèo họ cũng cùng học, thông minh sáng dạ hay chậm chạp cù mì thì cũng học. Học không chỉ là một nghề để ấm thân mà cao hơn hết là tu thân, sống lương thiện hơn, nhân nghĩa hơn, sống có đạo lý hơn, biết đối nhân xử thế hơn…”, nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng , nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông Cấp 2 Năng khiếu huyện Xuân Trường từng nhận xét với tôi như vậy .

Thày Nguyễn Đăng Hùng, sau khi nghỉ hưu thì làm Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học – Khuyến tài làng Hành Thiện. Thày có cho tôi biết: Thời Nho học của Làng Hành Thiện ( nếu lấy mốc từ năm 1522 đến 1915), so với các làng xã trong cả nước thì làng tôi thường đứng thứ nhất về số vị đỗ Hương Cống, đứng thứ nhì về số vị đỗ Đại khoa (sau làng Đông Ngạc – nay thuộc Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với 7 vị đỗ Đại khoa, 97 vị đỗ Hương Cống / Cử nhân và 248 vị đỗ Sinh Đồ / Tú tài .

Như vậy, Hành Thiện đã có 352 vị đỗ Đại khoa, Cử nhân và Tú tài. Đây được xem như thuộc dạng nhiều nhất nước ta thời phong kiến. Có một điều thú vị là vào thời Nho học, Hành Thiện từng có 5 vị quan mang hàm quan Thượng thư (ngang Bộ trưởng bây giờ).

Truyền thống trọng chữ, trọng hiền tài của làng Hành Thiện là cái nôi để đào tạo nhiều nhân tài, chính khách cho đất nước. Nổi bật nhất trong đó chính là cố Tổng bí thư Trường Chinh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta. Ông cũng từng là Chủ tịch Nước và Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một nhà lãnh đạo từng đứng mũi chịu sao lãnh đạo đất nước giành Độc lập cho dân tộc năm 1945 rồi trở thành người cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân kháng chiến chống Pháp . Ông còn là tư tưởng lớn với tư duy Đổi mới xuất thần, đã dũng cảm tuyên chiến với cái cũ, xây dựng công cuộc Đổi mới đất nước (thời kỳ 1986) để đưa đất nước đi đến thành công như hôm nay và cũng là người từng phải nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng trong CCRĐ…

Trải qua 500 năm cả làng cùng đèn sách, truyền thống khoa bảng cao quý của làng Hành Thiện (từ khi còn mang tên làng Hộ Xá) ấy đã được kế thừa và phát triển qua các thế hệ. Vì thế, giai đoạn nào của lịch sử đất nước cũng ươm trồng được những người con ưu tú cho dân tộc. Có một điều cần đề cập trong bài viết này, đó là làng Hành Thiện có rất nhiều người theo cách mạng lại là con nhà giàu có, địa chủ hoặc quan lại . Họ là những người hiểu hơn ai hết chế độ phong kiến, thực dân mà họ sống. Và đó chính là điều đặc biệt ở quê tôi .

Ai đó mà nói rằng nhờ có cách mạng nên ngôi làng này mới phát triển rực rỡ như thế e là chưa chuẩn. Thực tế là thời nào suốt 500 năm qua, Hành Thiện vẫn là mảnh đất đặc biệt thuộc diện hiếm bởi đâu có được về truyền thống hiếu học và khoa bảng như vậy!

Trong thời đại mới, bên cạnh 7 chính khách từng có chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng và Bộ trưởng trở lên thì Hành Thiện còn có trên mười lăm vị có cấp chức tương đương thứ trưởng và thiếu tướng, trung tướng.

Song, điều đó vẫn chưa lột tả hết cái ý mà tôi viết ở phần trên. Chủ yếu người Hành Thiện học không phải chỉ để làm quan mà còn làm người có nhân cách, làm khoa học, trong đó nổi bật nhất là làm trong các lĩnh vực y tế, giáo dục .

Làng tôi ngay từ thời tân học cho đến hiện nay, nếu so với cả huyện Xuân Trường (có 274 vị có bằng tiến sĩ) thì riêng làng Hành Thiện tôi đã có 209 vị .

Còn với học hàm giáo sư, phó giáo sư thì tôi không có thống kê đầy đủ của toàn huyện. Nhưng chỉ riêng một làng Hành Thiện này thì đã có đến 11 Giáo sư Y khoa và 35 Giáo sư thuộc các ngành khác trong tổng số gần 80 GS, PGS là người Hành Thiện hoặc là con dâu của làng này….

Song, đúng là có một thực tế sống động, phong trào hiếu học ở quê tôi đã và đang phát huy truyền thống tự xa xưa rất tốt.

Một ngôi làng vốn được vua Minh Mạng trực tiếp đặt tên cho từ năm 1823, đến nay vừa tròn 200 năm với bao biến thiên của lịch sử, nó ngày một đàng hoàng, sáng sủa hơn, văn minh hơn khi có nước sạch đưa về tận nhà, có hố xí tự hoại hầu khắp mọi nhà . Mỗi năm làng có bảy tám chục cháu, thậm chí có năm cả trăm cháu thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Đồng hương của Làng tại Hà Nội và các tỉnh,thành cả nước đã xây dựng Quỹ khuyến học chung để hàng năm cấp học bổng cho các sinh viên nghèo cũng như các cháu có thành tích cao trong học tập dưới quê .

Truyền thống học hành, khoa bảng đã và đang phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Tinh thần hiếu học và thông minh của người Hành Thiện vốn đã nổi tiếng từ cả vài trăm năm trước, nay càng được khích lệ, phát huy.

Làng tôi từng xuất hiện những tấm gương sáng về sự hiếu học mà hoàn cảnh họ rất nghèo khó, thật đáng tự hào .

Ví dụ như trường hợp Thiếu tướng, GS Nguyễn Sỹ Quốc. Ông sinh ra trong gia đình cực nghèo, phải bắt đom đóm thay đèn dầu mà học. Được làng trợ giúp một phần bởi quỹ ruộng công dành cho học trò nghèo làng tôi cả trăm năm trước đã từng xây dựng Quỹ này. Nó do một vị quan Tổng đốc là Đặng Đức Cường vốn từ nghèo mà thành danh. Cụ đã có tâm,bỏ tiền mua ruộng rồi phát canh, dùng thóc thu hoạch bán lấy tiền nuôi học trò nghèo mà học giỏi, có chí lớn để có thóc đem bán. Ông Sĩ Quốc nhờ vậy mà ông đã đỗ đại học y khoa và tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông Sĩ Quốc được phong hàm GS năm 1980 với nhiều đóng góp cụ thể, trở thành Cục trưởng Cục Quân y rồi phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội. Ông đã chủ trì và viết nhiều công trình y học quân sự, được ứng dụng trong chiến đấu và được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Vợ ông, bà Vũ Thị Phan, cũng là GS, Thầy thuốc Nhân dân nổi tiếng.

Một trường hợp khác, tuy không trở thành nhà khoa học nhưng cũng là người đầy sáng dạ. Đó là Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang, phi công lái máy bay chiến đấu Nguyễn Đăng Kính.

Nhà ông thuộc diện bần nông, nghèo đến mức trước khi đi nghĩa vụ quân sự năm 1959 còn chưa biết đi xe đạp và mới chỉ “xoá mù” qua lớp bình dân học vụ từ sau Hòa bình lập lại . Vậy mà khi trúng tuyển để đi học phi công chiến đấu lái Mig 17 ông chỉ học có lớp 4.

Tổ chức “ra lệnh” cho ông nói dối, và ông khai lý lịch với nước Bạn (Liên Xô cũ) là mình đã học hết lớp 7 và đồng thời tổ chức cũng yêu cầu ông nhanh chóng tự học cấp tốc trong vài tháng (khi đang học ngoại ngữ) sao cho đủ kiến thức hết lớp 7 như từng khai trong lý lịch. Mục đích làm sao cứ để sang đến nước bạn xong rồi sẽ học tiếp cho đủ kiến thức trung học phổ thông ngay trong thời gian chưa học chuyên môn. Khi học xong tiếng Nga thì cũng là lúc ông đã đủ kiến thức để học lái máy bay…

Ông Nguyễn Đăng Kính đã từng bắn rơi 6 máy bay Mỹ và trở thành Anh hùng LLVTND . Ông từng làm Cục phó Cục Huấn luyện của Quân chủng Không quân trước khi làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương kiêm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao…

Những tấm gương học tập của những thanh niên nhà nghèo đó thì đúng là chỉ có cách mạng về, họ mới được chắp thêm đôi cánh cho những hoài bão và ước mơ…

70 năm sau Cải cách ruộng đất (1953-2023), mọi chuyện buồn rồi cũng nguôi ngoai theo năm tháng. Nhưng với chiều dài của lịch sử đất nước, 70 năm qua, Hành Thiện quê tôi đã đổi thay rất nhiều theo hướng tích cực hơn lên. Sự đoàn kết yêu thương nhau, gắn bó nhau hơn trong mỗi dòng họ, trong mỗi gia đình luôn mang một bản sắc rất khó pha trộn vào nhau. Đó chính là thành quả của Cách mạng mà Đảng, Bác Hồ cũng các nhà lãnh đạo tài ba, thương dân khác đã dày công xây dựng nên. Chúng ta đã phải đổ biết bao máu xương mới mang lại. Không có gì khiến nó làm ảnh hưởng đến hoà hợp, hoà giải dân tộc dù mất mát trong CCRĐ là chuyện khá đau lòng và là có thật nếu nhìn từ một ngôi làng rất điển hình như làng Hành Thiện quê tôi .

Quốc Phong

Nguồn: https://nguonluc.com.vn/suc-song-cua-lang-hanh-thien-noi-70-nam-truoc-co-hang-tram-nguoi-tung-bi-quy-dia-ky-ii-a10904.html