Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định xưa nay vốn nổi tiếng về truyền thống hiếu học, là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Từ xa xưa học trò đất này coi việc học như một cái nghề nhưng không phải để làm quan mà là để tiếp cận gần hơn với thánh hiền, biết đối nhân xử thế, học để làm việc thiện và học suốt đời.
Nằm bên bờ sông Ninh Cơ hiền hòa, làng Hành Thiện yên bình, trù phú với những ngôi nhà hai tầng san sát mang nét hoài cổ nằm hai bên bờ kênh được kè đá sạch sẽ soi bóng những rặng liễu thướt tha.
Người ta biết đến Hành Thiện là một làng nổi tiếng hiếu học và có nhiều người đỗ đạt. Từ xưa dân gian đã truyền tụng câu ca “Đông (hoặc Bắc) Cổ Am – Nam Hành Thiện”. Xứ Đông (Bắc) có làng Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vùng Sơn Nam hạ – bao gồm Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định ngày nay – có làng Hành Thiện. Đó là hai làng nổi tiếng vì có nhiều người đỗ đạt.
Trong hơn 10 thế kỷ khoa cử Nho học Việt Nam, làng Hành Thiện đã có 350 người thi đỗ từ tú tài trở lên, 11 trong số 17 họ ở Hành Thiện có người thi đỗ. Chỉ riêng trong thời Nguyễn, làng Hành Thiện đã có 88 người thi đỗ Cử nhân trở lên, trong đó có 7 người đỗ đại khoa, đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt (làng đứng thứ hai là làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội có 42 người thi đỗ). Trong 42 khoa thi của thành Nam trước năm 1945 đều có học sinh làng Hành Thiện đỗ cử nhân, tú tài, tiến sĩ; nhiều học sinh đỗ tú tài kép từ 4 – 7 lần như cụ Đặng Viết Hòe, bố ông Đặng Xuân Bảng, ông nội của cố Tổng bí thư Trường Chinh – Đặng Xuân Khu.
Bàn về chuyện Hành Thiện có nhiều người thi đỗ, có thể điểm qua những thuyết “âm phù” với mù sương phong thủy: Có người cho rằng đất làng Hành Thiện có hình giống một con cá chép. Xung quanh làng là những con sông bao bọc, đầy ắp phù sa. Học trò Hành Thiện như cá gặp nước, thả sức vẫy vùng trong biển học, và khi cá chép vượt vũ môn sẽ hoá thành rồng (!). Lại có người cho rằng làng Hành Thiện ở giáp khu đất có hình cây bút lông, ngọn bút hướng về làng Hành Thiện. Ở làng Ngọc Cục gần đó lại có khu đất trũng ngập nước hình chiếc nghiên mực. Vì có sẵn bút nghiên nên người Hành Thiện học hành tấn tới, đỗ đạt dễ dàng…(?). Lại có người nhận xét rằng đình làng Hành Thiện hướng ra khúc sông Bùi Chu, đoạn sông này nở rộng, là nơi “tụ thủy” nên dân làng phát đạt, thịnh vượng (?).
Nhưng từ góc nhìn “dương trợ”, biện chứng có thể thấy ngay rằng: Trước hết ở làng Hành Thiện có nhiều trường học và nhiều thày giỏi. Chỉ tính từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, ở Hành Thiện lúc nào cũng có hơn 10 trường học do các vị khoa mục nổi tiếng giảng dạy như các cụ Nguyễn Bá Hướng, Nguyễn Bá Nghi, Phó bảng Đặng Đức Dịch, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên… Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng nổi tiếng thần đồng từ nhỏ. Sau khi từ quan, ông về làng mở trường dạy học từ năm 1878 tới đầu thế kỷ XX. Ông đã lập nên thư viện Hy Long là thư viện Hán học lớn nhất Bắc kỳ thời đó. Ngoài ra còn phải kể đến tủ sách của cụ Phó bảng Đặng Đức Dịch, của cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên… Học trò Hành Thiện vốn học hành chăm chỉ, có nhiều thày giỏi lại được đọc rộng hiểu nhiều.
Điều đáng trân trọng hơn là học trò ở làng Hành Thiện coi việc học như một cái nghề nhưng không phải để làm quan mà học để tiếp cận gần hơn với thánh hiền, biết cách đối nhân xử thế, học để làm việc thiện và học suốt đời. Thế nên, số lượng người tài ở làng Hành Thiện đi làm quan thời trước không nhiều. Như cụ Đặng Viết Tường năm 53 tuổi đỗ cử nhân được cử làm quan tri huyện nhưng vì làm quan sẽ không được học nữa nên đã từ quan trở về để tiếp tục đi học. Đến năm 64 tuổi, cụ vẫn dự thi kỳ thi tỉnh. Hay cụ Đặng Vũ Lễ, ông nội của Giáo sư Vũ Khiêu cũng chọn con đường từ quan về quê dạy học và được học trò tặng một bức hoành phi cổ có 4 chữ “Học giả chỉ nam” (Kim chỉ nam cho người học hành).
Làng Hành Thiện không có nhiều ruộng, thu nhập từ nghề nông không nhiều song cả làng luôn trân trọng những người có học. Làng xây văn chỉ, lập quỹ khuyến học, miễn những khoản tạp dịch cho những người đi học, các vị tân khoa được khắc tên vào bia đá dựng trước văn chỉ… Truyền thống hiếu học, khuyến học ở Hành Thiện còn đi vào ca dao: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/ Chiếu anh đọc sách chiếu nàng quay tơ” như một nét văn hóa khó quên. Ở Hành Thiện, người có chữ luôn được trọng hơn người giàu. Những gia đình giàu có thủa xưa cũng rất trọng chữ, trọng hiền tài. Họ thường chọn những nho sinh, hàn sĩ nghèo để gả con gái cho và lấy đó làm niềm vinh hạnh.
Cũng bởi lẽ đó, khi lên ngôi, vua Minh Mạng vì yêu mến ngôi làng nhỏ có nhiều người đỗ đạt, người dân chân thật, hồn hậu, chuyên làm điều thiện đã ưu ái ban tặng cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng: “Mỹ tục khả phong” và đổi tên từ “trang Hành Cung” thành làng Hành Thiện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1945 đến nay, tại làng Hành Thiện đã có 204 người con là giáo sư, tiến sĩ; trong đó, có hơn 80 người là giáo sư. Truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện trọng chữ, trọng người tài như một dòng chảy liên tục, không bị đứt đoạn, thời kỳ nào cũng có người tài cho đất nước để làm sao cho xứng với câu “Đông Cổ Am – Nam Hành Thiện”. Làng có nhiều tướng lĩnh là: Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Đăng Kính, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Sĩ Quốc, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Việt Tiến, Phạm Hòa Bình; 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính. Hàm Bộ trưởng có: Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư. Hàm giáo sư có: Đặng Vũ Khiêu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh, Nguyễn Sĩ Quốc, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Việt Tiến. Làng cũng đã có 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: GS. Anh hùng Lao động Đặng Vũ Khiêu; GS Y khoa Đặng Vũ Hỷ; GS. TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thụ…
Phát huy truyền thống hiếu học của dân làng, đến nay, tháng 8 hàng năm, Hội Khuyến học, khuyến tài của làng đều tổ chức lễ khen thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế để động viên các học sinh, sinh viên phấn đấu trong học tập. Những năm gần đây, mỗi năm trong làng đều có hàng chục tân sinh viên của các trường đại học.
Dù ở đâu, người Hành Thiện vẫn mang theo hồn cốt của quê hương, giữ nếp nhà, sống mực thước, trọng tri thức, ham học hỏi. Truyền thống văn hiến của đất học Hành Thiện sẽ tiếp tục nối dài./.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/ngoi-lang-noi-tieng-trong-tri-thuc-102296720.htm