Giải mã về ngôi làng “nhiều thầy thuốc, lắm giáo sư”

0
49

Làng Hành Thiện (Xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định) là nơi có nhiều Giáo sư, Tiến sĩ… trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục.

Ngôi làng có truyền thống dạy học và rất tôn trọng người thầy giáo

Như đã đề cập trong bài viết trước, làng Hành Thiện luôn giữ truyền thống trọng người thầy làm thuốc cứu người và trọng người dạy chữ giúp khai mở dân trí. Đây cũng là thực tế cuộc sống qua nhiều đời nay trong xã hội, hai nghề trên luôn được xã hội gọi bằng “thầy” một cách trân trọng nhất.

Với người Hành Thiện cũng vậy. Nhiều vị đỗ đến cử nhân cũng từ quan về nhà làm thầy thuốc hoặc thầy dạy học.

Hành Thiện, ngôi làng nổi tiếng hiếu học và xem trọng tri thức.

Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828-1910) quê ở nơi đây là một ví dụ. Cụ đỗ Tú tài năm 18 tuổi, đỗ Cử nhân năm 22 tuổi và đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm 28 tuổi (1856), tất cả đền nhờ thân phụ cụ là Đặng Viết Hòe (từng 7 lần thi nhưng cả 7 lần đều chỉ đậu Tú tài) dạy cho con mà thành tài, không cần học đâu xa.

Khoa thi vào năm Bính Thìn (1856), Đặng Xuân Bảng vào Huế thi Hội và đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (cùng Trần Huy San, Ngô Văn Độ, Phan Hiển Đạo, Phan Đình Bình. Khoa thi này Ngụy Khắc Đản đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh – tức là thám hoa).

Quyển ông Đặng Xuân Bảng lẽ ra rất đáng đậu Hoàng giáp, nhưng cuối bài sách có câu can vua về thanh sắc tuần du. Vua không ưng, đánh xuống đậu tam giáp đồng Tiến sĩ. Khi vào lĩnh mũ áo, dự yến tiệc xong, vua hỏi: “Người ở nhà học ai?” , cụ Bảng đáp: “Tâu bệ hạ, từ thuở bé đến lớn, hạ thần chỉ học cha ở nhà thôi.”

“Cha ngươi đỗ gì?”, Vua hỏi tiếp. “Tâu bệ hạ, cha hạ thần đỗ bảy khoa tú tài”, khi nghe cụ Bảng đáp vậy, Vua liền ban cho bốn chữ “Giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con mà con thi đỗ Đại khoa).

Sau khi làm quan tới chức Tuần phủ Hải Dương nhưng khi không giữ được đất, thành để rơi vào tay giặc, cụ bị cách chức. Sau được bổ lại làm Đốc học Nam Định (như Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo bây giờ).

Đến nay, ngôi làng này ngoài con số 81 Giáo sư, Phó giáo sư thì trong số đó có đến 8 người được Nhà nước phong Nhà giáo Nhân dân, 20 người được phong Nhà giáo Ưu tú.

Do chưa có con số chính xác theo thống kê cụ thể, song chỉ mới lướt qua danh sách các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ người Hành Thiện thì trong đó số người hành nghề dạy học mà tôi nắm được cũng sơ sơ có thêm vài ba chục vị nữa.

Con số này tôi e rằng còn thiếu rất nhiều bà con hiện ở hải ngoại. Lý do cũng rất đơn giản, người Hành Thiện dù ở có phương trời nào vẫn có truyền thống học hành và đỗ đạt cao.

Ngoài ra còn có một vài con số cũng rất thú vị, đáng lưu ý. Đó là từ sau 1954, làng Hành Thiện từng có 6 nhà giáo kinh qua cương vị Hiệu trưởng và Hiệu phó các trường Đại học.

Đó là Thiếu tướng, PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Đại học Kỹ thuật quân sự; là cố Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Đỉnh, nguyên Hiệu trưởng và quyền Hiệu trưởng Đại học Địa chất – Mỏ suốt 12 năm (1966-1978) và GS, TSKH Nguyễn Xuân Bảo, NGND từng có 18 năm là Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi (1981-1999).

Làng Hành Thiện cũng từng có một thời gian cùng có 2 vị GS đứng đầu 2 Viện khoa học lớn, đó là cố GS Đặng Xuân Kỳ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và GS, TSKH Đặng Vũ Minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)…

Những vị học trò thành danh luôn “tôn sư trọng đạo” với các thầy, cô giáo người Hành Thiện

Cụ Nguyễn Thiện Sỹ, sinh năm 1501, là Thượng cao tổ họ giáp Nguyễn của làng Hành Thiện. Cụ được xem như vị khai khoa cho cả làng Hành Thiện và trở thành một truyền thống khoa bảng cũng như hiếu học sau này cho quê hương.

Cụ đậu Hương cống năm 1523, làm giám sinh, Giảng dụ Quốc tử giám thời hậu Lê. Chưa tìm được tài liệu nào nói cụ có dạy đời vua nào của nhà Lê hay không, nhưng với khoảng thời gian dạy học tại Quốc tử giám với 3 đời vua thì có lẽ cụ cũng có thể là người từng dạy cho các Thái tử của triều đình, bởi nếu không được triều đình tin tưởng rất dễ bị thay sau một đời vua nào đó.

Phát huy nét đẹp đó, làng Hành Thiện sau này cũng từng có những nhà giáo mẫu mực được học trò cũ tin yêu, quý trọng. Dấu hiệu rõ nhất đó là những kỉ niệm của các học trò trưởng thành đến đỉnh cao sự nghiệp, các vị ấy vẫn nhớ và về thăm thầy, cô từng dạy họ, góp phần tạo nên nhân cách của một cán bộ ưu tú của cách mạng.

Đó là trường hợp cô giáo Đặng Thị Phúc (SN 1933), bà từng là cô giáo dạy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thuở ấu thơ, lúc ông Nguyễn Phú Trọng còn là học sinh tiểu học.

Sau khi học xong sư phạm, cô Phúc về xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) dạy học. Gia đình thuộc thành phần tiểu tư sản nên cô phải thoát ly, sống và lao động cùng dân. Lớp học ít người nên cô kết hợp dạy cả cho học trò của xã Đông Hội, Đông Anh thuộc Hà Nội, trong số đó có học trò Nguyễn Phú Trọng (người xã Đông Hội) ít tuổi nhất lớp, còn người lớn tuổi nhất lớp thì bằng tuổi cô giáo.

Giữa đám học trò hầu như đều nghèo khó, lại đủ mọi lứa tuổi, học trò Phú Trọng đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất với cô bởi nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp, rất thông minh, hăng say giơ tay phát biểu, chữ viết tròn và đẹp.

Ngày đó, đời sống của học sinh cũng như chính nhà giáo đầy khó khăn do toàn dân ta vừa kháng chiến chống Pháp thành công. Cả một vùng quê chỉ có một giáo viên là cô giáo Phúc. Cô Phúc phải dạy đồng thời mấy lớp cho 2 xã giáp ranh hai tỉnh, thành. Học trò lại nghèo phải mang bụng trống rỗng đến lớp. Thế nên học không vào nổi vì đói.

Cô Đặng Thị Phúc phải mang tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm của cô cũng như gia đình do có chút điều kiện ở trên phố phụ giúp rồi nấu cơm, nấu cháo, luộc khoai phụ bữa ăn cho trò nghèo.

Có lẽ vì thế mà nhiều học trò sau này vẫn nhớ đến cô Phúc. Nhân cách một nhà giáo như cô Phúc cũng nhờ có một nền tảng gia đình vốn có nề nếp gia phong có tiếng ở Hành Thiện, ấy là cụ nội của cô Phúc cũng từng dùng tiền lương bổng của một vị quan Tổng đốc nhưng lại thanh liêm. Cụ mua ruộng thuê người cấy rồi dùng tiền bán lúa lập Quỹ học điền cho làng, lấy tiền trao học bổng cho học trò nghèo trong làng.

TBT Nguyễn Phú Trọng từng học cô Phúc và sau này đã đến nhà thăm cô, hoặc gửi thư thăm cô, cho người mang quà đến chúc Tết mỗi năm.

Thư viết tay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cô giáo Đặng Thị Phúc.

Làng Hành Thiện còn có một nhà giáo từng đứng lớp giảng về Triết học cho cựu sinh viên Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng tốt nghiệp cử nhân Triết học vào năm 1992 tại Khoa Triết học của Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM ngày nay), sau đó ông theo học cao học chuyên ngành Triết học cũng tại đây. Ông nhận bằng thạc sĩ Triết học năm 1999.

Năm ngoái, ngay trước buổi làm việc với nhà trường nhân dịp sắp đến 20/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến Văn phòng Khoa Triết học (hôm 13/11/2023) để thăm, chúc mừng các thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm thầy giáo cũ, PGS. TS. Vũ Tình tại nhà riêng của thầy.

Trước hôm vào trường, Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã đến nhà riêng thăm lại thầy giáo cũ của mình là PGS.TS Vũ Tình – giảng viên cao cấp, nguyên phó Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Tình là người đã rất quan tâm và ủng hộ sinh viên Võ Văn Thưởng khi ông từng là Chủ nhiệm CLB các nhà lý luận trẻ.

PGS.TS. Vũ Tình, SN 1949, có quê ở làng Hành Thiện. Năm 1968 thầy rời quê hương gia nhập quân đội Nhân dân Việt Nam, chiến đấu tại miền Nam cho đến ngày giải phóng. Năm 1976, thầy chuyển ngành sang lĩnh vực giáo dục và công tác tại TP HCM.

Ngoài việc giảng dạy, thực hiện những bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, PGS.TS Vũ Tình còn là tác giả, đồng tác giả nhiều sách chuyên khảo, tham khảo được xã hội hóa qua các nhà xuất bản.

Thầy cũng là đồng chủ biên, đồng tác giả nhiều giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây là những giáo trình đã và đang được sử dụng giảng dạy bậc đại học và sau đại học trên phạm vi toàn quốc, như “Giáo trình lịch sử triết học”, “Giáo trình triết học Mác – Lê Nin”, “Giáo trình triết học”, “Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê Nin”, “Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh”…

Tuy không là người dạy trực tiếp nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương hay nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phạm Thế Duyệt khi các ông từng là sinh viên Trường Đại học Mỏ – Địa chất, nhưng cố Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Đỉnh (1919-2016) , nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Địa chất – Mỏ là người Hành Thiện cũng được các nhà lãnh đạo trân trọng.

Lúc sinh thời của nhà giáo dù đã nghỉ hưu và lúc các vị lãnh đạo trên còn đương chức, họ vẫn đến thăm thầy nguyên Hiệu trưởng Đặng Xuân Đỉnh của mình mỗi dịp lễ, Tết.

Thật cảm động bởi tình thầy trò ấy khi các thầy, cô giáo được thấy học trò mình nay đã trưởng thành và trở nên những người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước… Rất có thể phải do đạo đức, tư cách của các nhà giáo nói trên phải như thế nào đó thì học trò cũ mới có thể nhớ đến thầy cô giáo mình như vậy.

Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam ta là mạch nguồn sống động và tốt đẹp đã và đang tạo nên một nét đẹp đáng nâng niu trong đời sống xã hội hôm nay cần giữ gìn và phải được phát huy.

Quốc Phong

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/giai-ma-ve-ngoi-lang-nhieu-thay-thuoc-lam-giao-su-20240227100311943.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here