Là đồng nghiệp biết nhau 32 năm trước, nay lại hoá họ hàng. điều bất ngờ đã đến!

0
197

Tôi được biết nhà báo Quế Liêm (tức Đỗ Khắc Liêm) từ năm 1991 khi anh về Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương làm Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí. Tức là ở cái vị trí chỉ đạo các cơ quan báo chí cả nước trong công tác Tuyên truyền .
Tuy nhiên, phải mãi đến năm 1992 tôi mới được tiếp cận anh nhiều hơn do khi đó tôi mới được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập báo Thanh niên. Mỗi tuần gặp nhau một lần vào thứ ba tại buổi giao ban báo chí Trung ương.

Nhà báo Quốc Phong và nhà báo Quế Liêm (ảnh: NVCC)

Tính anh đôn hậu và cũng rất xời lời, chả thấy mấy khi bị anh “đe nẹt “chúng tôi. Thế cho nên anh luôn được anh em lãnh đạo các cơ quan báo chí quý trọng. Anh nghỉ hưu năm 2002 nên chúng tôi không có dịp gặp nhau .Anh thuộc thế hệ đàn anh của tôi (sinh năm 1942) bởi từ trước năm 1975 anh đã từng ở cương vị Tỉnh uỷ viên Hà Bắc rồi được Trung ương tăng cường, điều động vào chiến trường miền Nam làm công tác liên quan đến báo chí tuyên truyền . Âu cũng do anh từng học Khoá 8 Tổng hợp Văn (1963-1967) chăng?
Sau này, anh trở lại Hà Bắc làm đến chức Tổng biên tập báo Hà Bắc, tiếp tục tham gia Tỉnh uỷ khoá sau rồi làm Thư ký riêng cho Bí thư Tỉnh uỷ trước khi về Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương như tôi vừa kể.

Hành trình đi tìm dòng họ

Mấy tuần nay anh em tôi liên lạc với nhau liên tục. Âu cũng là do anh nghe ai đó nói và biết tôi là người Hành Thiện, Nam Định nên anh cần trợ giúp. Anh Quế Liêm cho biết, anh có quê nội ở thị trấn Quốc Oai, Hà Nội( Sơn Tây cũ) nhưng cụ ngoại anh (cả cụ ông và cụ bà đều là người làng Hành Thiện. Các cụ định cư nơi này cả trăm năm trước. Mẹ anh luôn đau đáu với quê hương Hành Thiện nhưng tìm không ra dù bà ngoại của mẹ anh, sau khi mất cũng đưa về Hành Thiện chôn.
Anh Quế Liêm có kể cho tôi một chi tiết từ các cụ nhà anh truyền lại, hy vọng chi tiết đó giúp tôi tìm ra Tiên tổ của họ Nguyễn nào đó thuộc Hành Thiện (làng tôi có 4 họ Nguyễn cả thảy nên không hề dễ tìm. Đó là cái năm cụ Nguyễn Duy Nhạc bổ làm Tri phủ Quốc Oai, do ai đó giới thiệu, cụ đã tìm đến nhà ông ngoại anh, khi đó đang làm Bá hộ ở một xã mà nay là thị trấn Quốc Oai.
Cụ Duy Nhạc tự giới thiệu mình là cha đẻ của chí sĩ Nguyễn Thế Truyền (một trí thức rất có tên tuổi sống bên Pháp, Pháp rất muốn trọng dụng. Ông có tư tưởng chống Pháp dù có nhiều bằng cấp bên Pháp).Ông Nguyễn Thế Truyền từng tham gia Đảng Xã hội Pháp và trong Nhóm Ngũ Long,gồm các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Tường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Ái Quốc.

Nguyễn Thế Truyền (1898 – 1969)

Chú cháu bất ngờ gặp nhau nơi phương xa lạ. Chú thì giữ chức Bá hộ, cháu thì giữ chức Tri phủ Quốc Oai nhưng cụ Duy Nhạc có nói, việc thưa bầm chỉ là ở chốn công đường, còn khi ở nhà thì cháu vẫn chỉ là cháu của chú…

Điều bất ngờ đã đến …

Từ chi tiết đắt giá nói trên, tôi đã biết chính xác, cụ ngoại anh Quế Liêm thuộc dòng tộc Giáp Nguyễn của Hành Thiện mà cụ tổ Nguyễn Thiện Sĩ của tôi là đời thứ nhất, tôi là đời 16. Đây là cụ được xem như là vị khai khoa đầu tiên của làng tôi các đây tròn 500 năm.

Một điều thú vị nữa, ấy là nhà báo Quế Liêm nay đã là một bác sĩ. Anh học Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh lúc đã nghỉ hưu, tức là khoảng hơn sáu chục tuổi vẫn còn đi học. Cụ thân sinh ra anh trách anh rằng, mấy thứ bằng Đại học của anh chẳng giúp được ai (anh lúc nghỉ hưu đã có đến 3 bằng đại học, trong đó có bằng cử nhân Văn học). Anh cùng học với TBT Nguyễn Phú Trọng chung một lớp.
Trước đó anh từng học Tiếng Trung của ĐH Sư phạm ngoại ngữ từ 1978 rồi đi làm giáo viên ở Trường cấp III Đình Bảng, Hà Bắc. Do không hợp, anh mới xin đi học ĐH ngành khác là như thế.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lần theo gia phả thì thú vị còn ở chỗ, nay anh đã trở thành một thày thuốc Đông y có mấy sở trường rất đặc biệt khi chữa các chúng bệnh như sỏi mật, sỏi gan, viêm tắc động mạch chi và chế ra lá cao công hiệu đắp cho người nằm lâu bị hoại tử thịt . Thật tuyệt vời !
Hiện anh đang mở một cơ sở khám chữa bệnh tại Bình Giang, Hải Dương và hàng tuần anh lại về đó chữa cho những bệnh nhân nào đặt lịch anh .Tại Hà Nội, anh không mở nhưng nếu là người quen giới thiệu, anh cũng chữa.
Điều thú vị mà có lẽ bất ngờ nhất, đó là dòng tộc bên ngoại của anh, là cụ Tổ ngoại 6 đời của anh là cụ Lang Tài, tức Nguyễn Thúc Tài từng nổi tiếng khắp vùng Nam Định là một danh y. Cụ được ban chức là Hàn lâm viện Thị độc học sĩ, hiệu Thận Trai, từng chữa cho Vua và thành danh y từ hồi 1825 . Cụ trở thành thày thuốc Đông y đầu tiên của Làng Hành Thiện danh tiếng. Cụ sinh hạ được 3 người con trai thì hai con giữ chức Án sát tỉnh, một con giữ chức Tri huyện. Người giữ chức Tri huyện ấy là Nguyễn Ngọc Quỳnh lại sinh ra một lớp trí thức hiện đại mà nổi tiếng nhất phải kể đến, đó là nhà trí thức Nguyễn Thế Truyền, người được cụ Hồ Chí Minh rất trân trọng. Cụ Hồ từng mời ông ở lại miền Bắc tham gia Chính phủ nhưng cụ không nhận lời vì không thích Cộng sản nhưng cũng công khai chống chế độ Ngô Đình Diệm. Ngược lại, cụ cũng rất quý mến, trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh .
Người của cụ rất nổi tiếng nữa, đó là Giáo sư Đỏ Nguyễn Thế Rục. Người từng tốt nghiệp Đại học Thương mại bên Pháp rồi trốn sang Nga học Đại học Phương Đông . Tiếp đó ông được học tiếp Trường Giáo sư Đỏ của Quốc tế Cộng sản để làm cách mạng . Ông về nước, gặp ông Trần Phú khi ông Trần Phú mới được bầu làm TBT Đảng CS Đông Dương. Hai ông đã gặp nhau để bàn thảo và ra đời Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng…

Vậy là anh Quế Liêm đã tìm được về đến tiên tổ bên ngoại, đúng như di nguyện của thân mẫu anh, từng rất nhiều chục năm trước hằng mong mỏi tìm về cố hương .
Điều đáng tự hào là anh đã tiếp nối được truyền thống làm thuốc cứu người, không ham làm giàu mà các bậc tiền nhân của anh từng hành nghề và dạy bảo. Chỉ có điều không phải là nghề gia truyền mà hoàn toàn do anh tự học và nghiên cứu thành công. Anh Quế Liêm có kể với tôi rằng, với người bị sỏi thận, chỉ uống thuốc của anh chưa đến 1 tuần là sỏi đã ra ngoài. Thật là thú vị !
Thế mới thấy, với người có tâm phúc và nguyện làm theo mong mỏi của cha mẹ thì rồi sẽ tìm được dù rất khó khăn. Song không phải là điều không thể …
Quốc Phong

Bài viết được nhà báo Quốc Phong chia sẻ với trang tin làng Hành Thiện.

Nhà báo NGUYỄN QUỐC PHONG

  • Bút danh: Quốc Phong Hành Thiện (dùng bút danh này khi còn công tác)
  • Sinh ngày 2/4/1956 tại Hải Phòng.
  • Quê quán: Thôn Hành Thiện, Xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
  • Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn (khoá 18) ngành Văn học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1973-1977)
  • Nguyên Biên tập viên Tạp chí Thanh Niên của Trung ương Đoàn TNCS HCM (1978) rồi tham gia Nghĩa vụ quân sự (tháng 11/1978) chống Trung Quốc xâm lược.
  • Nguyên Trợ lý trình bày, biên tập Tạp chí Hậu cần Quân đội (1981-1987), cấp bậc từ Thiếu uý đến Đại uý.
  • Cựu học viên Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc ( Khoá IV- 1988-1990), nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
    Chí Minh.
  • Nguyên Trưởng Đại diện báo Tuần tin Thanh niên tại Hà Nội (8/1990-5/1992)
  • Từng có 16 năm là Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên (6/1992-9/2008) rồi bị kỷ luật, cách chức PTBT xuống làm Trợ lý TBT vì là người chịu trách nhiệm khi duyệt nội dung bài đăng trên
    báo Thanh Niên (2006 và 2008) về vụ TGĐ PMU18 đánh bạc đến 2,6 triệu đô la và dấu hiệu chạy án sau đó được dư luận quan tâm. – Nguyên Uỷ viên Ban Biên tập báo Thanh Niên trước khi nghỉ hưu (2010-2016).