Kể chuyện làng: Cả làng luôn biết răn dạy người thân “một đời tham lại, vạn đại ăn mày”

0
157
DCIM100MEDIADJI_0185.JPG

Quê tôi ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là một làng quê nói cho công tâm thì thực sự cũng không phải làng giàu có cho dù là một làng quê ở Đồng bằng Sông Hồng từng được khai hóa văn minh sớm.

Nguyên do là có nhiều người theo đường khoa cử nên được tiếp xúc sớm với xã hội bên ngoài. Làng có truyền thống yêu nước, khoa bảng, hiếu học và phải nói là rất thành đạt từ khoảng gần 500 năm trước cho đến cả hiện nay.

Ban đầu, làng tôi có tên là làng Hộ Xá, còn trước nữa thì còn gọi là Hành Cung trang nhưng lại không nằm trên mảnh đất hiện nay. Do nằm bên vùng đất ven sông cho nên bị thiên tai và bị đất sông xói lở nên mới dịch chuyển về mảnh đất đầy huyền bí có hình chú cá chép quẫy đuôi vượt vũ môn vươn ra biển như bây giờ. 200 năm trước, vào năm 1823, làng tôi được vua Minh Mạng đặt tên là làng Hành Thiện để nhắc nhở con dân biết “hành điều thiện”.

Thanh liêm, chính trực, trung thực, thẳng thắn là nhân cách nổi bật của các nhà nho học, nhân sĩ, trí thức Hành Thiện tự xa xưa và rồi cho đến hôm nay, họ luôn dạy con cháu cần giữ gìn và phát huy truyền thống này.

Trong dân làng tôi hiện vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ răn dạy về việc phàm đã làm quan thì phải giữ liêm chính. Theo các bậc tiền nhân làng này thì khi đã tính đường làm quan thì phải nhớ một điều: “Một đời tham lại, vạn đại ăn mày!”.

Bản đồ làng làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ở làng cũng có rất nhiều gương sáng về các vị quan đức độ, liêm khiết và nổi bật là các vị như: Cụ Phó bảng Đặng Kim Toán, đậu Phó bảng khoa Mậu Thân (1848) triều Tự Đức. Cụ làm Tuần phủ Ninh Bình năm 1878. Do cụ thanh liêm, mẫn cán nên được vua ân thưởng và được dân yêu quý như Phật sống.

Cụ được thăng Tổng đốc Nghệ An, nhưng chưa kịp đi nhậm chức đã mất đột ngột. Bạn cụ đã viếng đôi câu đối: “Thuý sơn hữu ý lưu sinh Phật/ Hồng Lĩnh vô đoan vọng phúc tinh”. (Núi Thuý sơn Ninh Bình muốn giữ phật sống ở lại/ Non Hồng Lĩnh Nghệ An không có may đón Phúc tinh về).

Cụ được dân yêu mến bầu làm Tiên chỉ làng Hành Thiện (1848) lúc còn đương chức.

Cụ Tiến sĩ Đặng Hữu Dương (1859- ?), Án sát Hà Nội. Mới 20 tuổi cụ đã đỗ Cử nhân (1879). Là vị quan luôn xử án công minh và đức độ. Có lần cụ phân xử thắng kiện cho vụ tranh chấp đất bị oan nhiều năm do bị chèn ép, Tổng lý biếu vàng, cụ không nhận mà chỉ nhận một thanh niên xã làm con nuôi để dạy học và trợ giúp cụ. Người con nuôi đã gắn bó ba chục năm trời với cụ đến khi cụ mất.

Cụ cùng đậu Tam giáp đồng Tiến sĩ (đỗ thứ hai trong khóa) với cụ Nghè Nguyễn Ngọc Liên (đỗ đầu Tam giáp đồng Tiến sĩ) nên cùng về làng Hành Thiện vinh quy bái tổ cùng ngày. Chuyện hiếm trong làng tôi năm đó.

Cụ Nguyễn Bá Nghi (1789-?) có 10 năm làm Tri phủ Ninh Giang, Hưng Yên nhưng sống cũng rất thanh bạch. Tương truyền, cụ là người luôn công minh chính trực trong công việc. Được dân bản địa yêu quý như Phật sống. Cụ được phong hàm Phụng Thành Đại phu, tước Thái Bá. Cụ sống rất thanh bần, chỉ mua được bộ đòn võng và bộ lông công để thờ Tổ và xem như để kỷ niệm cho 10 năm làm quan Tri phủ… Vậy có thơ rằng: “Chục năm quan lớn thanh bần mãi/ Nhất bộ lông công để tại gia/ Một giáp ân vua từng thỏa nguyện/ Ba sào đất tổ dưỡng hưu già”.

Cụ Nguyễn Ngọc Liên (1848-1937), đậu Tam giáp đồng Tiến sĩ. Do ghét thực dân Pháp, nên khi làm Tri phủ Nam Sách, cụ đã “bất bái Toàn quyền” Pháp nên bị huyền chức một năm. Sau đó, cụ đã từ quan, từ chối nhận chức Đốc học Nam Định rồi về làng mở trường dạy học.

Cụ Đặng Đức Cường (1859-1925) được người ở quê quen gọi là cụ Thượng Cường, (do có hàm quan nhất phẩm), được dân gọi là “Thanh bạch tiên sinh”. Cụ đậu cử nhân khoa Mậu Tý (1888) tại trường thi Hương Nam Định. Cụ làm Tổng đốc tỉnh Hải Dương, tòng nhất phẩm. Được phong hàm Thái tử Thiếu bảo (do cụ từng dạy vua và dạy con vua), phong Hiệp biện đại học sĩ (dạng như để cho người học vị tuy không cao nhưng được coi như một trí thức lớn (?).

Có lẽ cũng hiếm có ai từng làm Tổng đốc hoặc Tuần phủ đến 5 tỉnh, thành cả nước như cụ. Trước khi bổ làm quan Tuần phủ, thì: Năm 1896 làm Án sát tỉnh Bắc Ninh; năm 1902 làm Án sát Hà Nội. Sau đó mới làm Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Thái Bình, Tổng đốc Hà Đông, Tổng đốc Hưng Yên, Tổng đốc Bắc Ninh rồi năm 1917 quay lại làm Tổng đốc Hải Dương (cho đến năm 1921 về hưu).

Cụ là người tính tình nhã nhặn, cởi mở, nhân hậu dù là người có chức hàm cao thời đó. Cụ thương yêu các thuộc hạ và không nặng lời với một ai dù có phạm lỗi. Nếu có một Tổng lý nào làm sai thì cụ gọi lên văn phòng khuyên bảo để sau tránh các lỗi lầm tiếp. Nếu lỗi quá nặng, không thể tha thứ được thì cụ bảo người đó nên làm đơn từ chức.

Cụ sẽ dựa theo đơn ra nghị định cho nghỉ việc để cứu vãn thể diện cho họ khi về quê khỏi mang tiếng bị cách chức mà tủi hổ…

Suốt 32 năm làm quan, cụ không có một hành động hay một lời nói chạm đến lòng tự ái của người khác.

Cụ thường nói với người trong làng và bạn hữu của mình rằng: “Mình làm lớn, có phận lớn. Người ta làm nhỏ, có phận nhỏ. Ai thì cũng có lòng tự ái. Người nào mà lòng tự ái bị dày xéo là bị đau khổ. Vậy không nên làm điều gì, nói câu gì làm đau lòng người khác một cách vô ích”.

Làm quan lớn nhưng cụ là người không chỉ có đức tính nhân hậu mà còn rất thanh liêm. Cụ không bao giờ đòi tiền lễ của các quan phủ, huyện hay của các Tổng lý hay các người có công có việc muốn lên gặp quan lớn. Cụ cũng không bao giờ nhận quà của ai rồi mới thăng chức hoặc thưởng cho thuộc hạ.

Tổng lý hay các quan phủ, huyện do cụ tự ý đề nghị để được thăng trật hay được thưởng hàm, nếu như có ai đó đem quà đến tạ ơn cụ thì lúc bấy giờ cụ mới nhận một cách tượng trưng như để làm vừa lòng người đến tạ ơn mình khỏi suy nghĩ, day dứt…

Cụ Đặng Vũ Trợ, đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu, năm 1897, triều Thành Thái. Cụ được bổ làm quan Tri Phủ Nho Quan, Ninh Bình, được tiếng là vị quan thanh liêm. Cụ được người làng gọi là cụ Phủ Nho là vậy. Do đức độ và có uy tín với làng, lúc nghỉ hưu được dân làng mời ra làm Tiên chỉ làng (1937).

Khi đi nhậm chức ở Nho Quan, cụ đưa cô con gái mới hơn mười tuổi là cụ bà Đặng Thị Dung đi theo để phục vụ cơm nước cho cha. Lúc đi, cha con chỉ có cái chõng chứa ít tư trang, quần áo và vài thứ nồi niêu, bát, đĩa. Vậy mà khi về nghỉ hưu vẫn chỉ là mấy thứ đồ cũ lúc mang đi. Cụ bà Phủ Nho mất năm 1959 khi ở với con gái ở Hải Phòng (vì có 3 con trai thì 2 người bị quy địa chủ nên 2 người di cư vào Nam, 1 người thì bỏ làng đi dạy học trên thành phố. Cụ Phủ bà tính lo xa, căn cơ tiết kiệm phòng thân được tròn 5 cây vàng gửi con lo hậu sự. Con gái cụ Phủ giao con dâu đem bán mà không có người mua vì thời điểm đó không mấy tiệm vàng muốn mua do nhà nước mới cải tạo công thương nghiệp, tư sản. Vậy nên đành bán rẻ và cũng vừa đủ làm đám tang cho cụ, chỉ còn dư đúng 20 đồng thì thống nhất chuyển nốt cho một người con gái của cụ ở Hà Nội vì có khó khăn.

Với hàng chục năm làm quan từ tri huyện rồi đến tri phủ ở mấy huyện đều trù phú. Vậy mà rồi đến lúc vợ mình mất thật ngậm ngùi như thế. Vậy thì đủ hiểu cụ Phủ Nho sau nhiều năm làm quan sống thanh liêm ra sao.

Người làm quan ở làng tôi ngay từ nhiều thế kỷ trước đã có truyền thống thanh liêm, đạo đức. Nhưng có một ngã rẽ khác với các nhà khoa bảng Hành Thiện. Đó là nhiều cụ Cử nhân ở làng Hành Thiện quê tôi cũng chọn con đường không ra làm quan hoặc từ quan sớm về dạy học hoặc làm nghề Đông y để cứu nhân độ thế… Mà người làm quan ở quê tôi, thật hiếm người giàu có lúc về hưu, âu cũng do cái “nếp nhà” mà dân làng khuyên con cái lúc mới đi làm quan phải giữ gìn đạo đức ra sao để khỏi mang tiếng với người ở quê.

Tính sơ bộ, trong thời kỳ này, làng Hành Thiện đã có khoảng 10 trường tư thục dạy chữ Hán; trong đó nhiều trường do các vị Cử nhân hay Tú tài dạy, từ các lớp “tam tự kinh” đến trình độ cao hơn để các trò thi khóa sinh.

Ở làng còn có các trường dạy thi Cử nhân, Tú tài do các Cụ Nghè Đặng Xuân Bảng, Cụ Nghè Nguyễn Ngọc Liên, Cụ Cử nhân Nguyễn Ngọc Quỳnh… tổ chức.

Các cụ còn xây dựng các thư viện lớn để cung cấp tài liệu tham khảo, học tập cho các môn sinh… Có thư viện như thư viện Hy Long nhà cụ Nghè Đặng Xuân Bảng được coi là thư viện tư nhân thuộc dạng lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ. Đây cũng là nguyên do dân làng Hành Thiện được tích luỹ kiến thức từ sách vở của các bậc thánh hiền rất sớm.

Chính vì thế, làng Hành Thiện quê tôi sau này cũng rất nhiều người theo nghề dạy học hoặc ngành y. Họ làm công tác nghiên cứu giảng dạy tại các trường Đại học, Học viện…

Có lẽ vì thế, chỉ nội người được Nhà nước phong hàm Giáo sư và Phó Giáo sư thì kể từ năm 1958 trở về đây, Hành Thiện đã có trên 80 Giáo sư và Phó Giáo sư. Trong đó, làng có 3 Hiệu trưởng Đại học và 3 Phó Hiệu trưởng các trường Đại học; rất nhiều người là giảng viên các trường Đại học và trung học phổ thông; trong đó có 8 người đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 18 Nhà giáo Ưu tú.

Về ngành y tế, Làng có 1 người từng là Bộ trưởng Bộ Y tế, có 5 người là Phó Giám đốc, Giám đốc các Bệnh viện Trung ương, có 6 người đạt danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và 7 Thầy thuốc Ưu tú. Làng Hành Thiện đã cống hiến cho nền y học nước nhà 13 Giáo sư, 9 Phó Giáo sư cùng 18 Tiến sĩ y dược khoa.

Điển hình cho tấm gương liêm khiết của một nhà lãnh đạo Đảng ta. Đó là cố Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988). Ông quê cũng tại ngôi làng nói trên và sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, ghét Pháp. Dù có ông nội làm quan đến chức Tuần phủ (tỉnh Hưng Yên, Hải Dương) mà vẫn nghèo. Với truyền thống và nếp sống thanh bạch của gia đình, khi ông Trường Chinh mất đột ngột vì tai nạn mà gia đình lục ngăn kéo bàn ông làm việc, không thấy có thứ gì đáng giá ngoài cuốn sổ tiết kiệm nhưng chỉ vẻn vẹn còn số dư đúng 3 ngàn đồng. Quy ra thời điểm tháng 9/1988 thì nó chỉ mua nổi 12 gói mì tôm không hơn. Lý do trước đó, ông rút sổ tiết kiệm từ những tích góp cũng rất khiêm tốn sau những lần ông nhận nhuận bút từ viết sách, viết báo. Ông vừa rút nó ra đem làm quà cho những gia đình là cơ sở cách mạng trước đây họ từng cưu mang che chở cho ông khi hoạt động bí mật, cho những chi tiêu thêm trong gia đình và thăm hỏi người thân cùng thù lao cho thư ký chấp bút cho các sách vở ông đứng tên…

Như vậy, người làng Hành Thiện, việc học không chỉ để làm lãnh đạo, không chỉ để thăng quan tiến chức mà họ phấn đấu để theo đuổi các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế…

Và trong thực tế, nhiều vị đã thành danh và có cống hiến cho đất nước trong đó có một số vị đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước trong ngành giáo dục và y học.

Quốc Phong

Nguồn: https://danviet.vn/ke-chuyen-lang-ca-lang-luon-biet-ran-day-nguoi-than-mot-doi-tham-lai-van-dai-an-may-2024052010404082.htm?gidzl=BMIO8wLgK38iVfuYftLJDIbsdIU-TGSrP7cP9-HrNc4-BPGZvYCED6v_bI6p85DZF7d9SpYvElydfMzJDG