‘Ngân hàng gen’: Niềm hy vọng cho các gia đình liệt sĩ chưa xác định danh tính

0
61

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sáng 23.7, sau khi kích hoạt ‘ngân hàng gen’ và dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024, khiến cả triệu người Việt Nam có người thân là liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh có thêm hy vọng sẽ tìm được người thân.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã rất suy nghĩ khi đến Nghĩa trang A1 ở Điện Biên và thấy ở đó còn nhiều “mộ liệt sĩ chưa xác định được tên”, “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Nhiều mộ liệt sĩ ở Điện Biên chưa có tên – BẢO ANH

heo các cơ quan có trách nhiệm, cả nước còn khoảng 180.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Việc hình thành ngân hàng gen (ADN) sẽ giúp xác định danh tính của các mộ liệt sĩ còn khuyết danh.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ…

Với tôi, quanh câu chuyện này từng có những niềm vui xen lẫn nỗi buồn của gia tộc. Đó cũng là câu chuyện của rất nhiều gia đình khác trên đất nước hình chữ S vốn phải chịu nhiều hy sinh, mất mát.

Niềm vui nhân đôi
Nữ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Thị Kim (trước khi tham gia cách mạng gọi là Oanh) là người làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định quê tôi. Bà được truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp tháng 4.2012 và là một trong 3 nữ liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang bởi khí tiết cách mạng và sự dũng cảm hiếm có của người phụ nữ Việt Nam.

Liệt sĩ Đặng Thị Kim thời trẻ – BÁO KHÁNH HÒA

Liệt sĩ Đặng Thị Kim khi hy sinh giữ chức vụ Thị ủy viên TX.Nha Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cứu quốc TX.Nha Trang. Năm 1945, khi mới 16 tuổi, bà được giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các hoạt động chống Pháp tại Khánh Hòa.

Đầu năm 1948, bà bị bắt do một kẻ phản bội nhận diện. Sau này, chính người lính dẫn giải Đặng Thị Kim đi xử bắn, đã bí mật liên lạc với cách mạng và kể lại: “Địch tra tấn chị rất dã man để buộc chị khai báo các đồng chí trên chiến khu cùng các cơ sở cách mạng… Nhưng không khuất phục được, địch cho một tên lính lê dương vào xà lim hãm hiếp chị, sau đó bỏ chị vào bao tải chở ra rừng dương ven biển phía nam Nha Trang để hành hình bằng cách chém đầu”.

Trước năm 1954, khi Hải Phòng còn bị chiếm đóng, có một thanh niên đến phòng khám đông y Chu Sỹ của ông Nguyễn Tư Phấn, là cậu ruột của bà Kim và cũng là ông nội của tôi. Người này cho biết từ Nha Trang ra và tự thú: “Cháu tham gia công tác cùng chị Kim từ năm 1945. Sau khi mặt trận Nha Trang vỡ, cháu bị ép vào quân dịch.

Đêm chị bị cắt cổ, cháu làm phiên dịch cho viên thiếu úy trẻ người Pháp. Lúc đó, họ tra tấn chị rất dã man. Chị chỉ điềm tĩnh nói: ‘Chúng mày coi tao là có tội thì cứ giết tao, nhưng con tao trong bụng vô tội, hãy để tao sinh con rồi hãy giết’.

Lúc đầu họ định bắn, nhưng sau đó đã dùng dao cắt cổ chị… Tuy nhiên, cái chết lẫm liệt của chị có thể đã khiến viên sĩ quan Pháp khiếp sợ. Ngay trong đêm đó, anh ta viết đơn xin về nước”.

Năm 1957, tiểu đội trưởng Đặng Thị Kim được Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công. 4 năm sau, bà được Bác Hồ truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Gia đình sau đó đã tìm được mộ bà tại một nghĩa trang ở Nha Trang, kết quả kiểm tra ADN chính xác nên chính quyền địa phương đã cho phép đưa hài cốt (không có hộp sọ) bà Kim về an táng tại quê nhà.

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang của liệt sĩ Đặng Thị Kim – BÁO NAM ĐỊNH

Sau khi Báo Thanh Niên đăng câu chuyện này. Bộ Chỉ huy Quân sự và Hội Liên hiệp Phụ nữ Khánh Hòa đã làm hồ sơ đề nghị truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Đặng Thị Kim.

Đáng chú ý, việc tìm ra hài cốt bà Kim là do phương pháp ngoại cảm của nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy. Khi được chỉ dẫn, gia tộc tôi không dám tin ngay, nhưng khi lấy mẫu và làm xét nghiệm ADN nhiều lần thì kết quả được khẳng định.

Nỗi buồn chưa hết
Băn khoăn mà tôi muốn đề cập trong bài viết này, đó là nếu như thân nhân liệt sĩ muốn đi tìm mộ bằng ngoại cảm mà mộ đang nằm trong nghĩa trang và chưa biết tên thì đơn vị nào cho phép gia đình liệt sĩ được mở mộ phần để mang mẫu đi xét nghiệm?

Bác ruột tôi, một đại đội trưởng hy sinh năm 1951, trong kháng chiến chống Pháp. Sau 1954, gia đình tôi chỉ nhận được tờ giấy thông báo mất tích cùng bảng vàng danh dự do ông bà nội tôi có 3 con trai tòng quân.

Tuy nhiên, đến sau năm 1970 vẫn không cấp nào công nhận bác tôi là liệt sĩ, dù gia đình đã kiến nghị đến nhiều nơi. Cuối cùng, khi bà nội tôi gửi đơn lên TP.Hải Phòng thì một cán bộ lãnh đạo là người biết rõ chuyện bác trai tôi bị địch phục kích và hy sinh tại Quảng Ninh đã tức tốc yêu cầu ngành LĐ-TB-XH cử cán bộ đến nhà xin lỗi và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục công nhận liệt sĩ.

Do chưa biết phần mộ bác tôi ở đâu, gia đình đã tiếp tục nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy chỉ giúp. Ông Bảy đã chỉ đúng khu vực bác tôi bị phục kích, được các đồng đội khác xác nhận, mộ phần đã được quy tập về Nghĩa trang H.Tiên Yên, Quảng Ninh. Song, để được lấy mẫu đưa đi xét nghiệm thì cực khó, bởi đó chỉ là kết luận của nhà ngoại cảm.

Nên chăng, Bộ LĐ-TB-XH có quy định để các gia đình hoặc cơ quan có trách nhiệm có thể lấy mẫu các trường hợp như kể trên để xét nghiệm. Nếu kết quả không đúng thì cũng có thêm một mẫu ADN được ngân hàng ADN lưu trữ cho mai sau…

Quốc Phong