Chợ Hành Thiện được xây dựng từ năm 1930. Nằm ở vị trí đầu cá, có Giếng Ngọc (Mắt Cá). Nhìn từ xa, đầu Cá như đầu mũi tàu đang rẽ sóng ra biển lớn – như ý chí, truyền thống của Người Làng Hành Thiện.
Nguồn: VTV3
Thông tin thêm:
GIAI THOẠI GIẾNG MẮT CÁ LÀNG HÀNH THIỆN
Sau khi đi qua khắp tỉnh Bắc, tỉnh Đông, ông Tả Ao khoác tay nải đi về tỉnh Nam. Ông đi hết vùng duyên hải, qua các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu rồi sang phủ Xuân Trường. Khi qua đò H.T, chẳng may nước đò cạn, đò không áp vào bến được, các hành khách đều phải vén quần, xắn áo, tụt xuống sông lội vào bờ.
Thấy ông cứ loay hoay, không muốn lội xuống bùn, một người khách liền nói với ông xin để cõng ông vào bờ. Tức thì người đó ghé vào cõng ông khỏi quãng lầy lội, rồi lại còn trở lại mang tay nải giúp ông.
Cảm kích về cử chỉ quý hoá đó, ông liền lấy ở tay nải ra hai quan tiền đãi người khách đó để uống nước và hỏi thăm danh tính cùng quê quán ở đâu; nhưng người đó nhất định không lấy tiền, chỉ cho biết là người họ Đặng, buôn tơ ở làng này, rồi chào ông đi ngay.
Sau đó, ông Tả Ao khoác tay nải lên vai, lững thững đi quanh vùng để ngắm nhìn kiểu đất làng H.T và tấm tắc khen ngợi làng này có một địa thế rất đẹp. Càng đi sâu vào làng, ông càng thấy rõ kiểu đất đẹp: dân cư đông đúc, nhà cửa san sát như bát úp, xung quanh lại có kênh lạch bao bọc, khiến thuyền bè qua lại làng một cách rất thuận tiện.
Mải ngắm cảnh làng nên trời đã sẩm tối mà ông vẫn chưa muốn tìm chỗ trọ. Nhân đi qua chùa, thấy mấy chú tiểu đang quét lá ở sân chùa, ông liền bảo mấy chú vào thưa với sư cụ để xin trú tạm một đêm.
Một lát sau, sư cụ ra niềm nở đón ông dẫn vào phòng khách, rồi lại sai mấy chú tiểu dọn cơm thết ông.
Chờ cho ông Tả Ao cơm nước xong, sư cụ mới ra tiếp chuyện. Lúc đó, ông mới xưng danh là thầy địa lý Tả Ao, nhân qua làng này thấy đất đẹp có thể phát to, nên muốn nán lại chơi, tìm xem họ nào phúc đức thì tác phúc cho.
Sáng sớm hôm sau, ý chừng sư cụ đã đem câu chuyện của ông Tả Ao nói với các huynh thứ trong làng, nên khi ông Tả Ao vừa thức dậy đã thấy tiên chỉ cùng mấy ông kỳ mục trong làng và hai trai tráng mang lễ vật đến biếu ông, rồi cụ tiên chỉ nói ngay đến chuyện nhờ ông xem đất, để cát cho làng được kết phát.
Phần cảm mến sự trọng đãi của các ông kỳ mục, phần lại nhớ đến cử chỉ của người làng họ Đặng giúp đỡ ông hôm trước, ông Tả Ao bằng lòng giúp và bảo các ông kỳ mục dẫn ông đi xem làng.
Khi ra đến bờ đê, ông Tả Ao đứng ngắm làng, lấy tay chỉ, bảo các ông kỳ mục:
Kìa, các ông trông, kiểu đất làng này rất đẹp, trông chẳng khác gì một cù lao hình con cá nằm chầu ra bể, dân cư ở chỗ kia là khoảng đầu và mình cá, còn cánh đồng mầu kia là khúc đuôi. Sau này kết phát, khúc đuôi đó sẽ nở to dần, do đất phù sa ở con sông kìa bồi vào.
Ngừng một lát, ông lại tiếp:
Lại thêm những con lạch bao bọc quanh làng kia là những mạch nước nuôi sống con cá, quanh năm chẳng bao giờ bị cạn, nhờ đó dân trong làng được thịnh vượng, làm ăn phát đạt, ít bệnh tật, ốm yếu.
Bây giờ chỉ cần đào một cáci giếng ở cuối làng, đúng vào chỗ mắt cá, tức thì người trong làng học hành thông minh, đi thi nhất định đỗ đạt, và bách nhật sẽ phát to; trong làng sẽ bắt đầu có người làm quan, phi văn thì võ. Chẳng những thế, gái làng ăn nước giếng đó sẽ trắng trẻo, xinh đẹp, không phải lam lũ, chân lấm tay bùn như các gái làng khác.
Nói xong, ông đứng ngắm hướng rồi dẫ các ông kỳ mục đi về phía cuối làng. Tới chỗ mỏm đất trước cửa đền Thần hoàng, ông bảo:
Đúng giờ Ngọ ngày mai, các ông cho tuần tráng mang mai cuốc ra đào một cái giếng theo nét vạch đây, sâu chừng một đầu một với. Giếng nước này, dân làng phải giữ sạch sẽ, không được để bẩn thỉu; giữ được vậy thì trong làng sẽ vạn đại có người làm quan, làm thầy, giàu sang nhất vùng này.
Cắm đất xong, ông cáo biệt đi ngay. Các ông kỳ mục cố nằn nì giữ ông lại, nhưng ông nói rằng bận việc. Các hương lý mang một trăm quan tiền ra tạ ông, nhưng ông không lấy, chỉ lấy một quan tiền làm lộ phí, còn bao nhiêu ông bảo đem chia làm phúc.
Đúng giờ Ngọ hôm sau, các ông kỳ mục huy động trai làng ra đào giếng. Vừa đào chừng ba thép mai, thì đã thấy mạch nước đùn lên; rồi càng đào nước càng lên, cho đến khi đào xong thì mực nước đã lên cao ngập đầu. Dân làng lúc đó đổ xô ra, kẻ mang nồi, người mang chậu ra múc nước. Họ kháo nhau là giếng thần, mang nước về nhà uống để lấy phước.
Công việc xong xuôi, các bô lão trong làng liền mở hội tế thần, dân làng ăn uống, chè chén linh đình đủ ba đêm ngày, như lời ông Tả Ao dặn.
Quả nhiên từ ngày đào giếng, làng càng ngày càng thịnh đạt, dân làng họ Đặng thi cử đỗ đạt, thi nhau ra làm quan; gái làng thì chuyên nghề ươm tơ, dệt lụa, không phải lam lũ vất vả, nên cô nào cô nấy má đỏ hây hây, trông rất xinh đẹp. Ngay cả bãi đất bồi ở đầu làng cũng càng ngày càng bồi rộng ra, mở mang cho đất làng ngày thêm rộng lớn.
Cho đến ngày nay, làng Hành Thiện vẫn còn nổi tiếng là đất văn học, người họ Đặng vẫn còn được hưởng lộc làm quan rất nhiều. Ai qua đây đều phải nhận rõ cảnh trù phú, thịnh vượng của làng này: các đường ngõ đều lát gạch sạch sẽ, nhà ngói mọc lên san sát, chợ búa tấp nập bán buôn. Và chiều chiều, khi dòng nước lên, các cô gái Hành Thiện lại ôm lụa ra giặt ở con lạch quanh làng, tô điểm thêm cho vẻ đẹp nên thơ của đất làng, cô nào cũng xinh tươi như mộng.
Bài viết GIẾNG MẮT CÁ được trích từ Truyện ông Tả Ao do Đỗ Nam sưu tầm và biên soạn. Sách do NXB Văn nghệ TP. HCM ấn hành.