VIDEO
Thông tin thêm:
Về Hành Thiện thăm nhà cố Tổng Bí thư Trường Chinh
(Tổ Quốc) – Với tuổi đời hơn 100 năm, ngôi nhà tọa lạc tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định chính là nơi mà cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã sinh ra và lớn lên trong những năm đầu đời.
Ngôi nhà hiện tọa lạc tại xóm 7, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định – đây là nơi sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Vào năm 1994 ngôi nhà đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ngôi nhà nằm trên mảnh đất có diện tích khoảng 530 m2. Tại đây hiện có các công trình Nhà lưu niệm (Nhà thờ), Nhà khách, Nhà dưới và một ao cá nhỏ với nhiều cây lâu năm xanh mát.
Cánh cổng vào nhà cố Tổng Bí thư Trường Chinh nhuốm màu thời gian.
Là một gia đình có truyền thống khoa bảng, nên Nhà lưu niệm (bên phải) được xây dựng vào năm 1902 với lối kiến trúc truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc bộ lúc đó.
Ngôi nhà xưa của gia đình cố Tổng Bí thư Trường Chinh từ lâu đã được tỉnh Nam Định xây dựng, tôn tạo làm khu tưởng niệm.
Khu lưu niệm rộng chừng hơn 500 m2 bao gồm các hạng mục nhà lưu niệm, nhà khách, nhà lợp bổi, sân, vườn cây lưu niên, một chiếc ao nhỏ. Tất cả được bao bọc trong tường xây, dậu trúc khép kín mang đậm phong cách truyền thống.
Tại đây hiện có bàn thờ đồng chí Trường Chinh, trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến gia đình, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông…
Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Thoa, hướng dẫn viên của khu di tích: “Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh trước đây được ông nội là tiến sĩ Đặng Xuân Bảng xây dựng vào năm Nhâm Dần (1902) cho người con trai của cụ là ông Đặng Xuân Viện. Đồng chí Trường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện, được sinh ra và lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này”.
Trong nhà đang lưu giữ bức ảnh của Vua Duy Tân và bản đồ Đông Dương.
Hai chiếc hộp gỗ để dưới chân hai bên bàn thờ được hướng dẫn viên chia sẻ là “Lều chõng đi thi”.
Chiếc nồi đồng bé xíu chỉ nấu được khoảng một đấu gạo được các nho sĩ sử dụng khi vào kinh thành dự thi không có người theo hầu.
Trong nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật, như: khung cửi dệt vải, tủ sách, nhiều bức hoành phi, câu đối cổ do bạn bè của cụ tiến sĩ Đặng Xuân Bảng tặng…
Bản đồ làng Hành Thiện giống hình một con cá chép đang vượt vũ môn, có 14 xóm, mỗi xóm có một dong ngõ giống hình xương cá. Theo hướng dẫn viên “Chẳng biết hình làng có liên quan gì tới truyền thống hiếu học, đỗ đạt của người làng không? Chỉ biết ngay từ thời Nho học làng Hành Thiện đã nổi danh về truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao. Trong đó có tới 7 người thi đỗ đại khoa (3 tiến sỹ, 4 phó bảng), 90 người đỗ cử nhân.”
Truyền thống quý báu này được các thế hệ sau của làng duy trì, tiếp nối. Tính từ khi nước nhà giành độc lập đến nay, làng có thêm hàng trăm người có học hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ. Không chỉ có vậy, Hành Thiện còn đóng góp nhân tài cho đất nước, ước tính đến mấy chục cán bộ, tướng lĩnh, đảm nhiệm các chức vụ từ thứ trưởng đến Tổng bí thư của Đảng; nhiều người đã được phong tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang; Nhà giáo Nhân dân, được tặng thưởng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh…
Khung cửi dệt vải của mẹ và chị gái cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Phía trước nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh còn có một ao cá nhỏ, ngả bóng xuống bờ ao là những cây sung trên 100 năm tuổi. Khi còn nhỏ đồng chí Trường Chinh thường ra đây ngồi câu cá, đọc sách và làm thơ…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại trí thức, khoa bảng, trong một làng quê giàu truyền thống văn hóa, hiếu học yêu nước, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã ảnh hưởng, tiếp thu, trên hết đã phát huy được những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Mới 18 tuổi, ông đã tham gia hoạt động cách mạng, trở thành một chiến sỹ cách mạng kiên trung, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, trọn đời mang hết trí tuệ, tâm huyết phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân…
Có lẽ chính được sinh ra trong gia đình đại trí thức, khoa bảng, trong một làng quê giàu truyền thống văn hóa, hiếu học yêu nước, đồng chí Trường Chinh đã ảnh hưởng, tiếp thu, trên hết đã phát huy được những truyền thống tốt đẹp, ông đã soạn thảo và cho ra đời bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943. Đến nay, Bản đề cương đã được thực hiện trong 80 năm.
Nơi đây cũng là nơi các đoàn du khách tìm hiểu thêm về truyền thống hiếu học và truyền thống cách mạng của gia đình đồng chí Trường Chinh.
Nam Nguyễn