Kể chuyện làng: Nét đẹp từ lễ Trương yến làng Hành Thiện, nhưng cần hạn chế chuyện làm cỗ bàn mời khách

0
200

Cũng đâu phải dễ gì mà Vua Tự Đức đã ban cho làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường Nam Định ngày nay) quê tôi 4 chữ “Mỹ tục khả phong” và “Mười điều ban huấn”.

Mục đích là để khuyên dân làng chăm chỉ hành đạo làm người, thật thà, ngay thẳng, làm nhiều việc thiện, tôn vinh chính học, giữ phong tục tốt, dạy bảo con cháu… Và truyền thống tôn trọng người cao tuổi có lẽ cũng là nguyên do khiến Vua Tự Đức ban tặng làng này mấy từ trên mà chính Lễ Trương yến (Yến lão) của làng cứ 3 năm một lần và đã góp phần làm nên điều cao quý, tốt đẹp đó.

Những điều hay và rất đáng duy trì

Theo thầy giáo Nguyễn Đăng Hùng (nay đã 85 tuổi) – Chi hội trưởng Khuyến học, Khuyến tài làng Hành Thiện, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 2 Năng khiếu huyện Xuân Trường có chia sẻ với phóng viên báo Nam Định rằng: Tục làm Lễ Trương yến ở làng Hành Thiện có từ ngày lập làng. Theo lệ làng từ xa xưa, Yến lão của làng được tổ chức 3 năm một lần, vào khoảng thời gian từ ngày 10/2 đến ngày 16/2 Âm lịch của các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi cho những người trong làng từ 60 tuổi trở lên. Trong đó, phân biệt tuổi thọ theo thứ bậc gồm: Mừng thọ 70 tuổi; thượng thọ 80 tuổi, thượng thượng thọ 90 tuổi và bách tuế hay bách niên chi lão tròn 100 tuổi. Để chuẩn bị cho lễ Trương yến, làng Hành Thiện thường họp nhau lại vào dịp cuối trước các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi để bầu ra chủ lễ.

Chủ lễ được chọn phải là người còn cả cụ ông, cụ bà, có đủ con trai, con gái, không bận tang chế; tiếp đó bầu ra vị phó lễ để giúp việc cho làng.

Hàng chục học trò cũ của Nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng về quê chúc thọ thày năm 2019 khi thày tròn 80 tuổi .

Tới ngày Trương yến (người Hành Thiện giải thích từ Trương yến cho tôi cũng không sáng rõ lắm mà theo tôi, nó chính là Yến lão như nhiều người gọi). Làng sẽ làm mấy mâm lễ với rượu màu kim cúc, bánh oản, bánh giầy và hoa quả trước là lễ Phật, lễ Thánh sau kính các cụ cao niên trong làng thụ lộc.

Khi dự lễ, làng quy định màu sắc khăn áo cho các cụ theo thứ tự: Từ 60 đến 69 tuổi mặc áo vải thâm; từ 70 đến 79 tuổi mặc áo, đội khăn vải đỏ; từ 80 đến 89 tuổi, mặc áo và thắt khăn lụa đỏ; từ 90 tuổi trở lên mặc áo và đội khăn nhiễu đỏ; trên 100 tuổi mặc áo lụa vàng…

Đặc biệt, thứ tự sắp xếp các cụ trong lễ rước Trương yến cũng theo độ tuổi, không phân biệt giàu nghèo; từ người dân cùng đinh cho tới lý trưởng, chánh tổng. Cứ người cao tuổi nhất đi trước và được mời ngồi chiếu trên. Người giàu có đến mấy cũng không được tuỳ tiện đổi màu áo …

Thầy Nguyễn Đăng Hùng cũng cho tôi biết thêm rằng, nét đẹp này nếu như giữ nguyên cách thức tổ chức từ xa xưa thì rất ý nghĩa và sẽ mang tính giáo dục cho hậu thế rất lớn khi hậu sinh biết tôn trọng người già…

Nghe thì tưởng rằng đời một người sẽ có rất nhiều dịp mình được làng mừng thọ. Hóa ra, nếu thọ đến trăm tuổi thì nhiều nhất và may nhất cũng chỉ được mừng 4 lần. Còn không thì chỉ 3 lần.

Tôi tìm hiểu thì được biết, điều thú vị còn ở chỗ, ngay từ thời phong kiến hà khắc, người ta coi trọng người giàu và có chức sắc thì riêng làng Hành Thiện, khi tổ chức Lễ Trương yến đã không phân biệt sang hèn, người có chữ hay không có chữ và chức sắc ra sao. Tất cả được bố trí mừng thọ theo tuổi chứ không theo chức tước… Tức là bậc cao niên hơn sẽ được đi trước dù là người nghèo, không có vai vế gì. Còn vị cao niên vừa vừa thì vẫn đi phía sau cho dù người đó làm đến quan Thượng thư (ngang Bộ trưởng bây giờ) hay quan Tổng đốc (Chủ tịch tỉnh bây giờ). Giàu mấy mà tuổi chưa cao thì vẫn chỉ mặc áo thâm, chưa được mặc áo đỏ…

Cái khác chỉ có thể là chiếc kiệu (do tự lo). Người giàu thì có thể ngồi kiệu sang trọng, còn người nghèo thì ngồi võng, không có võng thì con cháu thay nhau cõng. Rất cảm động bởi họ không bị phân biệt đối xử nếu mình cao tuổi hơn vị quan nào đó.

Nên nhớ rằng, ngôi làng này dưới thời phong kiến từng có 352 người đậu thi Hương (tức là đậu Tú tài và Cử nhân). Chỉ với 200 năm qua, khi làng mang tên Hành Thiện (được Vua Minh Mạng đặt cho) thì đã có 82 người đậu Cử nhân, 7 người đậu Đại khoa (gồm 3 Tiến sĩ và 4 Phó bảng).

Trong tất cả các kỳ thi Hương Triều Nguyễn, kỳ thi nào người Hành THiện cũng có người thi đậu, nhiều đến mức các sĩ tử cả nước đi coi kết quả đều lắc đầu “ngao ngán” mà thốt lên: “Lại là người Hành Thiện nữa ư!”. Chỉ đơn cử vài ba ví dụ như sau: Để có được tấm bằng Cử nhân thời xưa cũng đâu dễ có. Lý do, thường 3 năm mới tổ chức 1 kỳ thi Hương. Ví dụ như vào năm Bính Tuất (năm 1886), cả nước có 7.691 người dự thi thì chỉ có 74 người đỗ Cử nhân. Trong khi đó, chỉ riêng làng Hành Thiện đã có 8 người đỗ; tương tự, năm Giáp Ngọ (năm 1894), có 11.000 thí sinh cả nước dự thi thì chỉ có 60 người đỗ, trong đó Hành Thiện đã đỗ những 8 vị…

Vậy mà trong nội bộ làng vẫn có tôn ti trật tự khá nghiêm. Thể hiện rất tôn trọng người cao tuổi.

Có một giai thoại từ hồi nhỏ tôi được nghe các cụ tôi kể rằng, một vị về quê vinh quy bái tổ do vừa đậu Cử nhân. Khi về đến cánh đồng nơi đầu làng thì thấy có một cụ bà đang đứng vệ đường mà lại dám “sè sè nắm đất bên đường”, không cúi chào quan lớn tương lai. Nó làm vị Cử nhân nọ đỏ mặt, khó chịu. Vốn lại không biết mấy ai trong làng nên dám ra oai quát nạt cụ bà nọ.

Bất ngờ là lúc chưa kịp rời đi thì cụ bà nọ đã lên tiếng: “Này, anh đừng tưởng cứ đỗ đạt về làng mà vênh vang sớm nha! Bà đây có 2 con trai đều làm tới chức quan Án sát và 1 con trai làm Tri huyện mà còn chẳng là gì nữa là …”. (sau đó vị Cử nhân nọ tìm hiểu thì được biết, đó là cụ Nguyễn Hữu Lợi – đỗ Giải Nguyên năm 1852 và cụ Nguyễn Hữu Thuận, Cử nhân. Đều cùng làm tới chức quan Án sát của tỉnh Cao Bằng. Còn người con làm Tri huyện là cụ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Tri huyện Hàm Yên, Tuyên Quang).

Xin giải thích thêm, Án sát là chức quan cai trị đứng ở vị trí thứ ba trong ba chức quan đầu tỉnh ở Việt Nam thời xưa. Nó được lập trong cải cách hành chính do Vua Minh Mạng – vị vua thứ hai triều Nguyễn tiến hành. Án sát phụ trách lĩnh vực như Nội chính (giống bây giờ khi chuyên lo việc xử án).

Nghe vậy, vị tân cử nhân nọ giật mình không dám lên tiếng nạt nộ thêm nữa. Tối về, ông bèn kể lại câu chuyện rồi hỏi hàng xóm thì biết đó là cụ bà Nguyễn Thúc Tài, nhờ buôn bông mà rất giàu có. Chồng bà là thầy Lang Tài (1788-1870) nổi tiếng khắp cả nước về tài và đức chữa bệnh cứu người bằng Đông y.

Thế là sáng hôm sau, vị tân Cử nhân nọ vội sang xin lỗi bà “vì mình dù có mắt mà không nhìn ra ai”…

Tóm lại, nét xưa của tục lệ Trương yến là một nếp văn hóa đẹp cần phát huy. Các cụ đâu tiệc tùng linh đình gây tốn kém như hiện nay mà vẫn rất trang trọng.

Những mỹ tục rất ý nghĩa hiện đang có phần trở nên nặng nề

Nếu trước đây, Lễ Trương yến được cổ nhân viết thành ca dao: “Trời cho nhà ngói tam tòa/ Chẳng bằng cho được Yến ca một lần”. Nó là thể hiện sự kính trọng với người già và đã trở thành nét đặc trưng riêng có của làng Hành Thiện rất đáng tự hào.

Thế nhưng hàng chục năm gần đây, do kinh tế có sự khá giả hơn xưa cho nên con cháu người được làm lễ Trương Yến thường làm cỗ mặn mời đông người dự (trước đây chỉ nội bộ con cháu ruột thịt) .

Tôi là người con quê hương nên cũng đã được chứng kiến và cảm nhận nhiều câu chuyện qua từng gia cảnh người thân với nhiều suy nghĩ không hẳn đều vui.

Nay thì người ta mời thêm cả người trong dòng họ, không chỉ họ gần mà cả họ xa. Điều này sẽ trở nên phiền toái bởi với chỉ nội 1 xóm đã có cả chục người được làm Yến lão cho nên cũng không thể dự cơm từng đó nhà trong một buổi mà khi đã mời mà không dự thì cũng rất… mệt.

Vì thế sẽ có nhiều chuyện “dở khóc dở cười”. Cỗ làm nhiều mà người đến ăn lại ít. Hơn nữa, ngồi ăn mà luôn nhấp nhổm vì để còn “chạy xô ” nhà khác. Thế rồi nhiều khi đến ngồi và rồi gắp đồ ăn khô vào túi để sẵn mang về vì không thể nào ăn nổi nhiều đám. Dù đã như vậy mà cỗ vẫn thừa vì có người cũng không thể dự nhiều nơi.

Hình ảnh trong một lễ Trương Yến tại Làng Hành Thiện. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Gia đình người làm lễ mừng thọ cho cha mẹ, ông bà mình ở làng Hành Thiện họ đều thừa biết là sẽ “lỗ nặng” bởi người đến chúc thọ thường chỉ là 1kg đường trắng và 1 hộp sữa đặc. Tính ra có lẽ chỉ là vài chục ngàn đồng. Họ cũng không hề nghĩ chuyện cầu lợi trong chuyện làm cỗ mà chỉ chạy theo phong trào. Trong khi đó, tiền làm mâm cỗ, nếu tính ra đầu người cũng phải hàng trăm ngàn đồng/người.

Song do “nhìn nhau” và có phần không muốn kém ai nên dần dần không chỉ khiến bữa cỗ vừa lãng phí bởi ít người dự từ đầu đến cuối vừa có chuyện nhiều khi sinh cãi cọ trong nội bộ gia đình. Người thì muốn làm to, người không muốn làm có thể vì hạn hẹp tài chính. Cũng đã có nhà từ chuyện lẽ ra rất hoan hỉ này trở thành chuyện không hay, anh em lục đục nhau bởi bất đồng và cha mẹ, ông bà họ trở nên mất vui chỉ vì không đoàn kết hoặc vì gia đình mang nợ.

Cái gọi là “nợ” này còn ở chỗ nếu ai đến mừng mình thì mình lại phải đến nhà cảm ơn đáp lễ. Người được mừng cũng phải mua tấm bánh nướng hoặc bánh dày mang đến nhà người ta. Mà người nhận thì đâu có ăn nổi lại phải cho đi… Trong khi đó, “một núi” đường, sữa được mừng họ cũng đâu dùng hết. Vì thế cho nên lại thêm phần lãng phí, thậm chí có thể có chuyện tìm cách bán rẻ kẻo để lâu không tốt.

Trong khi con cái thì sau lễ mừng thọ ấy, họ đã rời khỏi quê đi làm. Vậy là các cụ già ở nhà lại nai lưng đi các xóm cảm ơn, vô cùng cơ cực vì vác nặng.

Tôi được biết, cũng cả chục năm trước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xã cũng đã đi vận động nhân dân Hành Thiện nên làm đơn giản như cả trăm năm trước mà vẫn vui, chỉ làm cơm gia đình mà không nên tiệc tùng mời rộng để vô tình trở thành gánh nặng. Nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian rồi thì đâu lại vào đó.

Từ một nét đẹp của một làng quê có truyền thống khoa bảng và thành danh, lễ Trương yến cũng rất đáng trân trọng bởi đó là một truyền thống yêu kính người già rất hiếm có tại nước ta. Nhưng vô tình đã và đang có dấu hiệu vì một cách làm hơi nặng nề, mất vui là làm cỗ bàn. Nay đã đến lúc mỗi nhà, mỗi người chúng ta cùng phải suy nghĩ, thay đổi. Năm nay tuy không phải là năm có lễ Trương yến nhưng cũng là năm làng Hành Thiện chuẩn bị nhóm họp bầu ra chủ lễ cho năm tới và chuẩn bị các khâu.

Vì thế, tôi xin mạn phép đưa việc này ra một cách chủ động để người Hành Thiện chúng ta cùng suy nghĩ. Chỉ cần một cái bắt tay ấm áp, chỉ cần một lời chúc ân tình tại lễ Trương yến chính thức có đông người vui như hội, tôi nghĩ đã là quá đủ, đâu cần phải dự các bữa cỗ liên miên từ nhà này sang nhà khác đến mức không thể ăn nổi và lãng phí!

Quốc Phong

Nguồn: https://danviet.vn/ke-chuyen-lang-net-dep-tu-le-truong-yen-lang-hanh-thien-20240301130754091.htm