Đồng chí Trường Chinh với cách mạng Việt Nam

0
130

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Đồng chí Trường Chinh (9/21907-30/9/1988), người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu lịch sử

Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước. Đồng chí là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội

Tại Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11/1940), đồng chí Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư thay đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (bị thực dân Pháp bắt rồi xử bắn vào tháng 8/1940). Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đề cương văn hoá Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943. Bản Đề cương văn hoá Việt Nam nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập), đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Bản Đề cương văn hoá Việt Nam đã góp phần tập hợp các nhà văn hoá, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong năm 1943, Hội Văn hoá Cứu quốc cũng đã ra đời và tham gia vào Mặt trận Việt Minh do Đảng thành lập để góp sức vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tiếp đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo quan trọng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, chỉ rõ lập trường văn hóa cách mạng trên thế giới và ở nước ta. Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam chỉ ra trách nhiệm của những chiến sĩ văn hóa là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến; không thỏa hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; Yêu khoa học, lấy khoa học Mác xít làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp; Một lòng một dạ phục vụ nhân dân; gần gũi quần chúng công, nông, binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi nhân dân, nhưng giáo dục, dìu dắt nhân dân. “Đó là thái độ chân chính của các chiến sĩ văn hóa mới chúng ta, và cũng là bí quyết thành công của chúng ta” – Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh.

Một trong những đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh đó là thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), góp phần tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bản Chỉ thị đã đề ra một Cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Chỉ thị cũng nêu rõ nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện[1].

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Quán triệt tinh thần Chỉ thị Toàn dân kháng chiến ngày 12/12/1946 của Đảng ta cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Tổng Bí thư Trường Chinh viết một loạt bài đăng trên báo Sự thật – Cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng từ số 70 (4/3/1947) đến số 81 (l/8/1947). Những bài báo này đã được Nhà Xuất bản Sự thật xuất bản thành sách với nhan đề “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Trong tác phẩm này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đề ra các luận chứng và phát triển toàn bộ đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng ta.

Trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 tại Tuyên Quang đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày vào chiều ngày 11-2/1951 khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng là đúng đắn và cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ tháng 7/1960 đến tháng 7/1981, đồng chí Trường Chinh được cử lại Chủ tịch Quốc hội. Đây là giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam và sau đó là giai đoạn cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nói về cống hiến của đồng chí Trường Chinh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đánh giá rằng: “Vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng” và “đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”[2].

Tổng Bí thư của đổi mới

Đồng chí Trường Chinh (9/2/1907-30/9/1988), người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu lịch sử

Nền kinh tế nước ta chưa kịp phục hồi sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì lại bị vết thương chiến tranh mới ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường bao vây cấm vận nước ta. Ngoài ra, lạm phát cũng đã khiến đời sống nhân dân giảm sút.

Tình hình đó ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất, tác động đến toàn bộ đời sống xã hội. Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh đã trăn trở suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn.

Từ năm 1983 – 1986, đồng chí Trường Chinh trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã tổ chức và trực tiếp tham gia nhiều chương trình khảo sát thực tế tới gần 20 tỉnh, thành trên khắp đất nước. Tháng 12/1982, đồng chí Trường Chinh cũng thành lập nhóm nghiên cứu những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và nội dung cơ bản Chính sách kinh tế mới của Lênin để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ngày 27/12/1983, đồng chí Trường Chinh nêu rõ: “Ở đây, cần nhấn mạnh vai trò quyết định của chuyên chính vô sản đối với vấn đề xây dựng con người mới. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi chuyên chính vô sản bị suy yếu, khi những bộ phận hợp thành của chuyên chính vô sản, như vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân lao động, liên minh công nông… bị vi phạm, thì không những chế độ xã hội chủ nghĩa có nguy cơ biến chất mà trong con người còn nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp về tư tưởng và hành động”[3].

“Những lệch lạc trong tư tưởng, những sai lầm trong công tác của cán bộ, đảng viên ta từ trước tới nay thường là do không học tập đầy đủ chủ nghĩa Mác – Lênin và không thấm nhuần sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng” – đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh.

Ngày 14/7/1986, sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt và đã nhất trí bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

Tại Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (họp từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986 tại Hà Nội), đồng chí Trường Chinh đã đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa V trình Đại hội lần thứ VI. Báo cáo chính trị khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Nhiều năm nay, trong nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội có nhiều quan niệm lạc hậu, nhất là những quan niệm về công nghiệp hóa, về cải tạo xã hội chủ nghĩa, về cơ chế quản lý kinh tế, về phân phối, lưu thông… Vì vậy, phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn, thực hiện những mục tiêu do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra… Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy”[4].

Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh tiếp tục cống hiến cho Đảng trong vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Trường Chinh đặc biệt chú ý tới việc tổ chức triển khai và thực hiện Nghị quyết đổi mới của Đại hội lần thứ VI. Mặc dù tuổi cao sức yếu, đồng chí Trường Chinh nhiều lần đến thăm và làm việc ở nhiều địa phương. Tại các nơi đến thăm, đồng chí Trường Chinh nhắc nhở lãnh đạo địa phương phải thấy đổi mới là một quá trình liên tục, từ thấp đến cao, từ từng mặt đến toàn diện, khẩn trương táo bạo nhưng thận trọng.

Thắng lợi của công cuộc đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra mà đồng chí Trường Chinh chính là “Tổng Bí thư của đổi mới”. Ảnh minh họa

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng nhấn mạnh: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”[5]

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 (Kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Công cuộc đổi mới có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Thắng lợi của công cuộc đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra mà đồng chí Trường Chinh chính là “Tổng Bí thư của đổi mới”[6].

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 367

[2] Điếu văn do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, ngày /5/10/1988, xem Trường Chinh – một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 16.

[3] Xem Bài viết “Về cách mạng tư tưởng và văn hóa (ngày 27 tháng 12 năm 1983)” trong sách Trường Chinh tuyển tập (1976 – 1986) – Tập III, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 125

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 25 – 26

[6] Võ Văn Kiệt: “Đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư của đổi mới”. Theo sách: Trường Chinh một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn: https://baonghean.vn/dong-chi-truong-chinh-voi-cach-mang-viet-nam-10268180.html