Cuốn sổ tiết kiệm 3 nghìn đồng của Tổng Bí thư Trường Chinh và chuyện tham nhũng 35 năm sau đổi mới

0
186

Chúng ta luôn khuyến khích cán bộ giàu có, nhưng nó phải từ những đồng tiền sạch sẽ mồ hôi nước mắt mới có, nó cần bạch hoá chứ không được phép giấu giếm để rồi xã hội nhìn vào, dị nghị và bức xúc mang tiếng cho cả hệ thống chính trị.

Cả cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh ( 1907-1988), “một nhà lãnh đạo kiệt xuất” với “nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của Cách mạng” (trích Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu ông) thực sự là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống của một nhân cách lớn. Hôm nay ( 30/9/2013, ông đã đi xa, về với Bác Hồ mãi mãi cũng vừa tròn 35 năm chẵn.

Cố TBT Trường Chinh thực sự là con người của Đổi mới, là “tác giả của Đổi mới”, hay nói chính xác hơn thì phải là “Chủ biên” của Đổi mới (các từ trong ngoặc kép đều là từ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trong bài “Đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đổi mới “(NXB Chính trị Quốc gia, năm 2002, trang 40) . Ông Võ Văn Kiệt, trong một bài viết khác, ông Kiệt còn gọi ông Trường Chinh “là vị Tổng công trình sư của công cuộc Đổi mới”.

Tôi cũng đã viết nhiều về con người rất đáng kính trọng ấy kể cả việc viết về ông từng chịu trách nhiệm do phạm sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất 70 năm trước như một bài học cho người lãnh đạo nói chung. Dám đứng ra nhận trách nhiệm về mình với tư cách của người đứng đầu rồi chủ động xin từ chức TBT.

Họ nằm trong số những người làm nên lịch sử, những nhân chứng của lịch sử: Tổng Bí thư Trường Chinh (ở giữa), Tổng Bí thư Lê Duẩn (bên phải), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái). Ảnh tư liệu.

Trong bài viết này, tôi xin viết đến một khía cạnh khác ở con người ông, đó là lối sống đạo đức và liêm khiết của một nhà lãnh đạo vì dân vì nước mà tôi biết.

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh bị tai nạn thật đau xót. Ông ra đi bất ngờ bởi chỉ trước đó đúng 2 ngày, ông còn ngồi làm việc với một nhóm cộng sự thân thiết và ngỏ ý sẽ dành thời gian viết một cuốn sách có tên “Hồi tưởng” mà không phải chỉ là “Hồi ký” như lâu nay người ta thường hay viết.

Đề cương cuốn Hồi tưởng, ông đã chuẩn bị sẵn tất cả. Thế rồi thật bất ngờ, ông bị trượt chân ngã tại cầu thang trong nhà công vụ ở số 3, phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội để rồi đột ngột đi xa mãi mãi.

“Lúc mở ngăn kéo bàn làm việc của ông, mọi người trong gia đình đều trào nước mắt khi tìm thấy một cuốn sổ tiết kiệm duy nhất mang tên ông nhưng số tiền thì quá nhỏ”. Cố Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, người con trai cả của ông Trường Chinh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhớ lại.

Trong cuốn sổ đó chỉ còn có đúng 3.000 đồng.

Đó cũng chính là số tiền còn lại của khoản nhuận bút sau khi ông đã sử dụng một phần chi làm quà cho bạn bè, rồi những nơi từng là cơ sở hoạt động cách mạng cũ của ông, một phần cho thư ký giúp việc và một phần nhỏ ông dành cho gia đình. Đó là số dư cuối cùng trong sổ tiết kiệm mang tên ông.

Vào thời điểm tháng 9/1988, một khoản tiền 3.000 đồng to nhỏ ra sao?

Vô tình, đó đúng là tháng đầu tiên tôi được Ban bí thư Trung ương Đoàn ra quyết định cử đi học dài hạn 2 năm (khoá XV- 1988-1990) tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Chúng tôi là quân số cắt hẳn đi học nên chỉ được nhận lương cứng ở cơ quan. Vì thế, để động viên tinh thần và trợ giúp khó khăn, cánh học viên như chúng tôi được nhận thêm một khoản phụ cấp là 5.200 đồng/tháng (26 ngày học x 200 đ/ ngày) từ Ban Tài chính Quản trị Trung ương. Nó tương đương với 20 gói mỳ tôm lúc đó (260 đ/gói).

“Vâng, chỉ có 3.000 đồng, nhưng điều to lớn mà cha tôi để lại không phải ở số tiền 3.000 đồng đó”, GS Kỳ từng tâm sự như vậy .

Cái mà cố Tổng Bí thư Trường Chinh để lại cho gia đình, cho cuộc đời làm Cách mạng sau hai lần “đứng mũi chịu sào” dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thật vô cùng to lớn.

Ông đã giữ trọng trách Tổng bí thư Đảng ta qua 3 thời kỳ, với đầy đủ các tên gọi của Đảng: Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đấy cũng chính là những thời điểm khó khăn nhất của Cách mạng nước ta. Đó là lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân giành Độc lập Tự do cho dân tộc (1941-1956) cùng với công cuộc Cách mạng của Lào và Campuchia ;là khi Việt Nam tiến hành sự nghiệp Đổi mới (1986), mà như ông đã phát biểu trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng VI, “đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề quan trọng mang tính sống còn”.

Trong khoảng 7 năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo Đảng ta mà người đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị mà Người Đốt Lò Nguyễn Phú Trọng đã rất kiên trì thực hiện một cách kiên quyết bởi ông biết, đó là một việc vô cùng hệ trọng. Nó có thể không chỉ làm xói mòn lòng tin của toàn Đảng, toàn dân ta với Đảng mà nguy hại hơn là có thể khiến đổ sụp cả một chế độ mà chúng ta đã đổ biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của người đi trước mới có nổi cơ đồ như hôm nay.

Nhiều ví dụ thật đau xót khi được chứng kiến cảnh giàu sang của nhiều quan chức hôm nay mà đắng nghẹn bởi nhiều khi quá chướng mắt bởi họ quá nghênh ngang, coi thường tổ chức và dư luận. Tài khoản của một quan chức cỡ bí thư tỉnh uỷ và gia đình ông ta mà có gần hai ngàn tỷ. Thế nhưng vẫn không kê khai thì thật xem thường pháp luật đến bất thường.

Chúng ta luôn khuyến khích cán bộ giàu có, nhưng nó phải từ những đồng tiền sạch sẽ mồ hôi nước mắt mới có, nó cần bạch hoá chứ không được phép giấu giếm để rồi xã hội nhìn vào, dị nghị và bức xúc mang tiếng cho cả hệ thống chính trị.

Nhìn lại các bậc lão thành cách mạng như tôi biết, chẳng hạn như cố TBT Trường Chinh mà có chuyện tôi vừa kể, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (người từng thừa nhận với tôi vào năm 1993 tại ngôi nhà công vụ trong Phủ Thủ tướng trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Năng, thư ký riêng) rằng đúng là ông không có nổi 2 chỉ vàng để đánh chiếc nhẫn tặng cô con dâu ông nhân ngày con trai ông, anh Phạm Sơn Dương cưới vợ…, mà trong tôi tự thấm thía , các lớp cán bộ hôm nay tuy luôn học Bác Hồ về đạo đức và phong cách sống của Người mà sao sự tiếp thu từ những tấm gương của Bác Hồ cũng như các vị tiền bối Cách mạng lại không được bao nhiêu nhỉ!

Buồn thật!

Quốc Phong

Nguồn: https://danviet.vn/cuon-so-tiet-kiem-3-nghin-dong-cua-tong-bi-thu-truong-chinh-va-chuyen-tham-nhung-35-nam-sau-doi-moi-20230930130253933.htm