Ngày 24-11 vừa qua, lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên cán bộ nghiên cứu Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã diễn ra trang trọng tại Thủ đô Hà Nội.
Hơn 60 năm công tác, Trung tướng Đặng Quân Thụy đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên nhiều cương vị như: Chính trị viên Đại đội; Tổ trưởng Tổ chiến sự; Tư lệnh Binh chủng Hóa học; Tư lệnh Quân khu 2; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X; Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Ở tuổi 95, sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng Trung tướng Đặng Quân Thụy vẫn rất minh mẫn và thông tuệ. Chính vì vậy, không chỉ tại buổi lễ trang trọng vừa diễn ra mà trong nhiều cuộc trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng nằm trên phố Tôn Thất Thiệp (Hà Nội), những điều ông chia sẻ luôn cuốn hút người nghe.
Là người vinh dự được tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh cả trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước, Trung tướng Đặng Quân Thụy có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng có lẽ 56 ngày đêm ở Chiến dịch Điện Biên Phủ là dấu ấn sâu sắc nhất, nên khi được hỏi, lần nào ông cũng nhắc đến với nhiều cảm xúc. “Đầu tháng Giêng năm 1954, tôi là cán bộ tác chiến nhận nhiệm vụ đi lập đài quan sát trận địa địch, cùng anh em trinh sát pháo binh và công binh leo lên một ngọn núi cao. Bấy giờ, không chỉ tôi mà còn có nhiều đồng chí khác chưa hình dung hết quy mô của trận đánh tương lai nhưng tất cả đều có chung một niềm tin chiến thắng. Được có mặt từ những ngày đầu cho đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi rất vui vì trong khi tin chiến thắng dồn dập báo về sở chỉ huy thì tôi cũng có niềm vui riêng đó là có con trai đầu lòng đấy!” – vị tướng già hào hứng kể.
Khi đài quan sát hoàn thành, từ trên đỉnh núi, tổ tác chiến tiền phương do đồng chí Đặng Quân Thụy đã chọn điểm đặt vị trí ống kính, từ đây có thể trông thấy trong lòng chảo Điện Biên hoạt động của lính Pháp. Chúng cho quân nhảy dù tăng cường lực lượng, phát quang cây cối, chiếm nhà dân, đào hầm hào chuẩn bị trận địa. Nhiều ngày bám trụ trên đài, tổ tác chiến có nhiệm vụ ghi chép lại cụ thể, chi tiết từng vị trí quan trọng của địch để bộ phận phía sau làm cơ sở, phối hợp với lực lượng trinh sát bản đồ báo cáo chỉ huy xây dựng kế hoạch tác chiến.
Sáng 13-3-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến cơ quan tác chiến sớm hơn thường lệ. Các phòng trong đường hầm đều sáng đèn. Trong những ô nhỏ khoét vào vách hầm, cán bộ trợ lý tác chiến đã ngồi bên máy điện thoại bắt thẳng tới từng đại đoàn và pháo binh. Trên mặt ai cũng lộ vẻ trang nghiêm, sẵn sàng đi vào trận đánh. 17 giờ 5 phút, trận đánh Him Lam bắt đầu. Cùng lúc toàn bộ pháo binh của ta, 40 khẩu pháo cỡ từ 75mm đến 120mm đồng loạt nhả đạn. Theo phân công, sĩ quan tác chiến Đặng Quân Thụy cùng một số đồng chí trực ban trong hầm Sở chỉ huy ở Mường Phăng liên tục bám và theo dõi tình hình bộ đội chiến đấu. Cả mặt trận hướng về Him Lam. Bộ phận trực ban tác chiến liên tục cập nhật tình hình, báo cáo từng diễn biến của trận đánh đến Bộ chỉ huy chiến dịch. 23 giờ 30 phút ngày 13-3-1954, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn báo cáo: Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị. “Trận đánh mở màn thành công ngoài mong đợi. Một trung tâm đề kháng như Him Lam không đứng vững trước cuộc tiến công với lực lượng trung đoàn của ta, thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ quyết không phải là một pháo đài không thể công phá” – nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được khẳng định khi chiếm xong đồi Him Lam, ta diệt tiếp đồi Độc Lập, thì địch ở đồi Bản Kéo cũng kéo cờ trắng ra hàng…
“Tất nhiên chiến thắng đến không hề dễ dàng với chúng ta. Phân khu Bắc của địch bị tiêu diệt nhanh chóng trong đợt 1 của chiến dịch. Nhưng khi đợt tấn công thứ 2 ở dãy đồi phía đông thuộc phân khu Trung tâm, các đơn vị đều không giành được thắng lợi như dự kiến. Từ sau khi mất phân khu Bắc, địch hoàn toàn giữ thế phòng ngự. Những trận đánh phản kích chỉ nhằm ngăn cản không cho trận địa chiến hào của ta đến gần. Hy vọng của địch vẫn là lợi dụng ưu thế về địa hình và binh lực, vũ khí tập trung để đánh bại cuộc tiến công của ta như chúng đã làm được ở Nà Sản trước đó. Trung đoàn 98 (Trung đoàn trưởng Vũ Lăng) đánh đồi C1 sau thắng lợi ban đầu thì địch phản kích mạnh không tiến tiếp được. Trung đoàn 174 (Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An) để lỡ yếu tố bất ngờ khi đánh đồi A1 do đường dây liên lạc bị đứt nên không nhận được lệnh tấn công, tạo cơ hội cho địch phản kích dữ dội. Lực lượng của ta tổn thất nhiều khi vượt qua cửa mở… Hai bên ở thế giằng co hàng tháng ròng” – Trung tướng Đặng Quân Thụy nhớ lại.
Bước sang đợt tấn công thứ ba, đồng chí Đặng Quân Thụy được cử làm phái viên tác chiến xuống theo dõi ở một đơn vị của Đại đoàn 316. Trước đó, ông và đồng đội rất hân hoan khi được đọc “Thư kêu gọi các chiến sĩ Điện Biên Phủ đẩy mạnh cuộc thi đua đánh tỉa quân địch” của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đến giờ, Trung tướng vẫn nhớ trong thư có đoạn: Để làm cho địch càng ngày càng bị tiêu hao mệt mỏi, tinh thần sút kém, thương vong chồng chất, để làm cho địch luôn luôn lo sợ và căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không yên, bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắn chết, để tạo điều kiện cho quân ta giành được những thắng lợi lớn hơn, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Tôi kêu gọi: Toàn thể các chiến sĩ bắn súng trường, các chiến sĩ bắn súng máy, các chiến sĩ bắn súng cối, các chiến sĩ pháo binh, hãy phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua đánh tỉa quân địch ở Điện Biên Phủ. Một viên đạn, một tên địch!…
Theo trí nhớ của Trung tướng Đặng Quân Thụy, bấy giờ từ sở chỉ huy tiền phương, ông chủ yếu bám theo đội hình của Trung đoàn 174. Sau khi nhận bàn giao lại trận địa ở A1 từ Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308), Ban Chỉ huy Trung đoàn 174 đã lên kế hoạch đánh địch ở nhiều hướng hơn. Các phân đội hỏa lực và cả phân đội phòng ngự luôn luôn giữ vững vị trí. Nhất là sau đó phương án sử dụng khối bộc phá 1.000 kg để phá hủy công sự địch được báo cáo thông qua, khả năng dứt điểm A1 hoàn toàn có thể thực hiện được. Bấy giờ cùng có mặt tại đơn vị, còn có đồng chí Nguyễn Bội Giong, là phái viên đốc chiến của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (vốn là Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau này là Đại tá, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam). Cả hai ông đều nhất trí với đề xuất của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An về việc huấn luyện và tổ chức một đội đánh hầm ngầm, mang nhiều bộc phá đánh vào cửa hầm của địch.
Và để phối hợp và hỗ trợ cho cuộc tiến công của Trung đoàn 174 vào cao điểm A1, Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho Đại đoàn 316 sử dụng công binh của đại đoàn bí mật đào một đường hầm đi sâu vào trong lòng đồi A1 và bố trí một khối lượng thuốc nổ chừng 1.000 kg để đến đúng giờ G cho nổ, nhằm đánh sập hầm ngầm cố thủ của địch ở đồi A1 cùng một số lô cốt trên sườn phía Tây và Tây Nam của vị trí đó. Hành động này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu đoàn bộ binh đánh chiếm nhanh gọn các mục tiêu còn lại trong tung thâm phòng thủ của địch trên cao điểm A1. Đúng như dự đoán, Trung đoàn 174 đã nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ đồi A1 – công sự kiên cố nhất trong toàn bộ chiến dịch.
Sau trận này, phái viên Đặng Quân Thụy tiếp tục đến theo dõi Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) diệt cứ điểm 206 án ngữ sân bay Mường Thanh, cắt đường tiếp tế của địch. Khi bộ đội đào trận địa lấn vào vị trí của địch rồi tổ chức tiến công, ông cũng băng qua hàng rào dây thép gai trong công sự cùng các chiến sĩ và bị thương vào bắp chân nhưng vẫn tiếp tục cơ động cho đến khi có lệnh rút về căn cứ. Kết thúc chiến dịch, ông có mặt trong thành phần hội nghị tổng kết chiến dịch. “Ở cương vị của mình, tôi sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết và chứng kiến. Mong rằng đó sẽ là những tư liệu hữu ích cho thế hệ sau này” – Trung tướng Đặng Quân Thụy tâm sự.
HƯỚNG NAM – BẢO LINH