Nét đẹp kiến trúc – Văn hóa làng Hành Thiện

0
215

Hành Thiện là ngôi làng thuộc phủ Xuân Trường, nay thuộc xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Làng vốn có tên gọi là “Hành Cung Trang” được thành lập vào khoảng năm 1500 và đến năm 1823 – thời Vua Minh Mạng (1791-1841), làng được đổi tên thành “Hành Thiện” với ý nghĩa đây là nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện. Nơi đây nức tiếng cả nước là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” với nhiều nét đẹp kiến trúc, văn hóa, là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử.

Nhìn từ trên cao, làng Hành Thiện như một con cá chép, đầu hướng nam về sông Ninh Cơ, đuôi quẫy hướng bắc có sông Hồng đổ về biển lớn. Xung quanh làng là một con sông nhỏ thông ra sông Ninh Cơ. Mắt cá chính là ngôi giếng cổ bên cạnh chợ Hành Thiện, gần miếu Tam Giáp được kè bằng đá xanh. Những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá. Phần đuôi cá là nơi tọa lạc của hai ngôi chùa: Thần Quang tự và Đĩnh Lan tự. Chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo Hành Thiện thờ Đức Thánh Tổ Thiền sư Không Lộ – vị Thánh bảo hộ của dân làng. Chùa Đĩnh Lan gắn liền với sự tích về một bức tượng Mẫu trôi dạt vào làng, được trẻ mục đồng hương khói và phù hộ cho những người lính ra trận, từ đó nhân dân lập chùa thờ phụng.

Chùa Keo, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn gần như nguyên vẹn, với nét kiến trúc độc đáo hơn 400 năm tuổi. Tương truyền, nguyên thủy chùa do Thiền sư Không Lộ xây dựng ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời Vua Lý Thánh Tông. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt, nước trong xanh. Không gian chùa là cả một khối kiến trúc cổ đồ sộ, trầm mặc với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau, là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội năm gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7,5m với dáng thanh thoát, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn.

Không gian chùa Keo, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ từ thế kỷ 17 thời Hậu Lê rất giá trị. Đó là những án thư, tượng pháp, sập thờ, nhiều chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo. Hàng năm, tại chùa có hai lần mở hội. Đó là hội xuân vào dịp Tết Nguyên đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13, 14, 15 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh của Thánh tổ Không Lộ. Trong thời gian diễn ra lễ hội, dân làng tổ chức dâng hương, cầu cúng, tụng kinh, múa rồng, đua thuyền trên sông Hồng cùng với các trò chơi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm và các hình thức văn nghệ dân gian khác. Tháng 4-2017, chùa Keo đã được đón nhận bằng công nhận của Chính phủ vinh danh là Di tích quốc gia đặc biệt, góp phần nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa cổ cũng như các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Đến làng Hành Thiện không thể không đến thăm Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh ở xóm 7 với khu nhà trên gồm năm gian làm bằng gỗ lim, hướng nam, lợp ngói ta, hai hồi và tường hậu xây gạch. Hai gian buồng ở hai đầu, có bức chạm ngăn cách với khu nhà khách ở giữa. Cửa hồi phía đông thông xuống bếp rồi đến dãy nhà ngang lợp bổi, gồm năm gian nhỏ. Phía trước có tường hoa, sân gạch và một ao nhỏ nằm sát phía ngoài với đường giong. Giáp đường là hàng dậu bằng tre được xén ngay ngắn. Lối vào là cổng gạch xây khá cổ kính. Bên cạnh khu nhà vừa là ngôi nhà khách, vừa là nhà trưng bày lưu niệm.

Ảnh trên: Đội tế nam quan làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) thực hiện nghi thức dâng hương.
Ảnh dưới: Một buổi tập luyện nhạc cụ truyền thống của Hội Già Lam Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Dù trong giai đoạn lịch sử nào, làng Hành Thiện cũng xuất hiện những con người kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước. Dưới thời phong kiến, làng có 419 người đỗ đạt, trong đó có 7 vị đại khoa, 3 tiến sĩ, 4 phó bảng, 97 cử nhân. Sử sách cũng đã ghi lại, có những gia đình ở làng Hành Thiện có 9 người (cha – con, chú – cháu) cùng đi thi, có 7 người đỗ cao. Giai đoạn học chữ Pháp tuy rất ngắn, nhưng làng Hành Thiện cũng có 51 vị ghi danh. Trong đó Tổng Bí thư Trường Chinh đã trở thành niềm tự hào của dân làng Hành Thiện. Trong hơn 10 thế kỷ của giáo dục Nho học, làng đã có 350 người thi đỗ từ tú tài trở lên, làng có 17 họ thì 11 họ có người thi đỗ. Thời nhà Nguyễn làng đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt. Từ 1945 đến nay Hành Thiện đã có khoảng gần 500 người tốt nghiệp đại học. Trong đó có tới trăm người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, nhiều người được phong hàm giáo sư, phó giáo sư… Những năm gần đây, mỗi năm trong làng đều có trên 30 học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Dù ở cương vị nào, những người con Hành Thiện cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một lòng vì Đảng, vì nhân dân.

Bơi chải trong Lễ hội Chùa Keo làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) dịp lễ hội.

Cùng với sự phát triển của đất nước, làng Hành Thiện hôm nay ngày càng đổi mới. Nhiều ngôi nhà cao tầng san sát, đường làng lát gạch đỏ au trong nắng vàng, chợ búa tấp nập, hai bờ kênh được kè đá sạch sẽ, những rặng liễu bình yên rủ bóng ven bờ và đặc biệt các thiết chế văn hóa truyền thống vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn. Hiện làng vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà đã được công nhận là di tích cổ, có giá trị. Nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ trải qua thời gian đã bị xuống cấp, sụp đổ nay được khôi phục lại, trong đó có chùa Keo nổi tiếng. Những nét đẹp truyền thống đó được người dân Hành Thiện nâng niu, gìn giữ và phát huy để tiếp tục phát triển./.

Theo baonamdinh.vn

Nguồn: https://namdinh.org.vn/diem-den-nam-dinh/net-dep-kien-truc-van-hoa-lang-hanh-thien-309526