Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Làng hình “lý ngư” (cá chép) được phân chia thành các xóm là những dong nhỏ dài song song với nhau. Người ta bảo làng là biểu tượng của cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Người làng Hành Thiện luôn tự hào về truyền thống hiếu học “trai học hành, gái canh cửi”, tự hào về danh hiệu “làng khoa bảng”.
“Lý ngư địa xưởng nhân văn úy.
(Đất hình cá chép nhân văn sản sinh ra nhiều người làm quan.
Kim biến thiên lai mỹ tục tồn”
Dù thời thế dẫu có đổi thay song mỹ tục đẹp mãi còn).
Dân gian có nhiều truyền tụng về làng Hành Thiện như: “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện”; “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” – thời Nho học, cùng với Cổ Am, làng Hành Thiện được xếp “Đệ Nhất đất Việt” về số người đỗ đạt cao trong các kỳ thi Hương thi Hội, thi Đình. Còn ngày nay Hành Thiện tự hào với số lượng tiến sĩ, giáo sư đang làm việc khắp trong và ngoài nước.
Truyền thống hiếu học và niềm tự hào về làng được thấm vào máu, vào huyết quản của những người dân nơi đây. Văn hóa làng xã chặt chẽ keo sơn được gìn giữ đến tận bây giờ. Lớp lớp người trẻ vẫn tiếp nối, tổ chức sinh hoạt, gặp gỡ đồng hương trên khắp mọi miền đất nước.
Truyền thống, văn hóa ở làng Hành Thiện là thứ gì đó thiêng liêng, là niềm tự hào, động lực để mỗi người dân nơi đây phấn đấu. Bên cạnh đó, cũng tạo sự trói buộc với những băn khoăn, trăn trở nỗi niềm đau đáu về bằng cấp. Tôi có người bạn, kinh tế khá giả nhưng con cái không muốn học đại học mà chỉ muốn theo nghề bố vì nghĩ như thế cũng đủ sống sung túc. Bạn tôi cho rằng đó là thất bại của mình khi không có con cái theo nghiệp chữ nghĩa. Ở làng, người ta nhìn vào cái sự học để đánh giá nhiều hơn là nhìn vào của cải. Người Hành Thiện thích chơi chữ nên rất cẩn trọng câu từ, coi trọng danh tiếng đôi khi có phần cực đoan.
Không chỉ tự hào về truyền thống hiếu học, người làng còn có một niềm hãnh diện về lễ hội truyền thống của Chùa Keo Hành Thiện. Phần lễ được diễn ra với hình thức tế lễ, rước kiệu, phần hội là cuộc thi bơi trải đứng. Cuộc thi bơi trải được diễn ra vào ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch hàng năm. Mỗi xóm cử ra 10 người đàn ông khỏe mạnh nhất để tham gia cuộc thi, bơi khoảng 3,5 – 4 giờ liên tục trên sông Ninh Cơ. Xóm nào đạt giải nhất vào ngày rằm thì năm sau đám trẻ con của xóm ấy sẽ được bơi thuyền “cò cốc” trên chiếc hồ trước sân Chùa. Thích nhất là khi đi xem bơi trải, niềm hân hoan tràn khắp. Tôi chưa thấy không khí cổ vũ ở đâu tuyệt vời như ở nơi đây. Các cổ động viên cổ vũ nhiệt tình, cổ vũ cho tất cả các đội, không phân biệt xóm mình hay xóm bạn. Có lẽ do mối quan hệ thân thiết, cả làng quen nhau, là gia đình, người thân, họ hàng của nhau cả nên đã không còn sự cạnh tranh nữa mà chỉ còn tình yêu thương và sự đoàn kết. Các đội thi quyết tâm bơi khỏe, tính toán con nước để bơi nhanh và lái thuyền vào vị trí có lợi thế, khán giả cổ động và chiêm ngoạn những màn đấu sức, đấu trí quyết liệt và cam go trên sông. Điều đặc sắc nữa là sông rất lớn nên khán giả có thể ngồi trên bờ hoặc ngồi trên thuyền để thưởng thức cuộc thi. Tôi và các anh chị em cùng với bọn trẻ con thường thuê một chiếc thuyền, mang theo lỉnh kỉnh các túi đồ ăn thức uống. Ngồi trên thuyền xem bơi trải cảm giác vừa ấm cúng, vừa phấn khích.
Người làng thường chọn dịp hội về thăm quê. Vì khi đó, họ được sống trong văn hóa truyền thống quê hương, cùng gia đình lên chùa lễ Phật cầu an, được gặp gỡ bạn bè, gặp gỡ những người làng xa quê ở khắp mọi miền đất nước. Tôi cũng gặp được rất nhiều bạn bè trong dịp lễ hội, có khi chúng tôi chào và hỏi thăm nhau đôi ba câu, có khi chỉ thoáng thấy nhau trên những chiếc thuyền lênh đênh trên sông khi xem bơi trải, chỉ kịp vẫy tay và trao nhau nụ cười.
Năm tôi 15 tuổi, nhà tôi chuyển nhà ra thị trấn, cách làng 7km, nhưng bố tôi vẫn giữ hộ khẩu ở làng, bố mẹ và anh em chúng tôi vẫn tham gia mọi chương trình truyền thống của làng. Hàng năm, cứ sang tháng 9 âm lịch là ngày nào bố tôi cũng về xóm cũ để tham gia họp tổ chức các hoạt động của xóm. Bố tôi rất tự hào về làng, có cái gì sâu thăm thẳm nơi bố, như người con hướng về cội nguồn. Tâm trí bố tôi thuộc về làng, thuộc về nơi chôn nhau cắt rốn, thuộc về cái danh tiếng từ ngàn xưa mà gần như nỗi trở thành ám ảnh. Bố tôi không thể sống xa làng. Tiếng trống tổ tôm điếm của bố và những người bạn của ông theo suốt tuổi thơ tôi. Tôi thích xem tổ tôm điếm, tôi có thể đứng hàng giờ nghe những vẫn thơ dí dỏm của người lĩnh xướng, tiếng gõ trống “tùng – cắc” của người chơi. Tôi lớn lên cùng tiếng trống tổ tôm điếm và những điệu hát văn. Dòng máu đang chảy trong tôi được truyền thừa từ bố, dòng máu mang hình bóng của mái đình cong cong và những nhịp chèo thuyền trên sông nước.
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện năm nay đối với tôi đặc biệt hơn mọi năm. Năm nay tôi đón lễ hội đầu tiên không có bác. Bác là anh rể bố tôi, là người cùng xóm, ở cạnh nhà cũ của tôi, nhà cũ của tôi bây giờ cô tôi đang ở. Ngày còn ở nhà cũ, nhà tôi và nhà bác thưởng bê mâm sang ăn cơm chung. Tôi coi bác như người cha thứ hai của mình. Từ ngày tôi lớn, biết xem bơi trải thì bác tôi là người lái thuyền trải của xóm trong các cuộc thi. Ngày ấy trải xóm tôi rất mạnh, gần như năm nào cũng đạt giải nhất hoặc nhì. Bơi trải gắn liền với cuộc đời, là thanh xuân, là tuổi trẻ, là sức khỏe của bác, bác bơi trải cho đến khi không còn đủ sức. Sau cơn tai biến bác xuống sức và không còn nhanh nhẹn nữa, những năm gần đây bác không đi lại được, phải ngồi xe lăn, bác không nói được dù tâm trí vẫn sáng suốt. Nếu như ở bố tôi thấy một nỗi niềm sâu thăm thẳm hướng về nguồn cội thì dường như bác vẫn sống trong những mùa lễ hội, nơi ánh mắt bác ngập tràn sông nước và những nhịp chèo. Có thứ gì tự hào, xen lẫn hoài niệm, man mác buồn nơi người đàn ông lớn tuổi ấy. Bác tôi sống cả đời hiền thiện, cả làng ai cũng quý mến, ở bác có sự dịu dàng của người tràn đầy tình yêu thương. Hơn một năm trước xóm tôi làm trải mới, tôi đưa bác ra xem. Những người thợ mộc vừa làm vừa trò chuyện, bác ngồi xem, đôi mắt sáng bừng, lấp lánh niềm vui, bác muốn nói chuyện nhưng không nói được. Bác muốn xem bơi trải hội mà không đi được. Lễ hội năm ngoái khi tôi về đến làng thì bắt gặp trải xóm vừa rời bến để bơi ra nơi tổ chức cuộc thi, rộn rã những tiếng reo hò, cổ vũ của người dân trong xóm. Nhìn quanh không thấy bác đâu, tôi tiếc hùi hụi không lên kịp để đưa bác ra xem trải xuất phát, nhủ lòng sang năm tôi sẽ đến sớm hơn để đưa bác ra xem. Nhưng tôi chẳng có cơ hội ấy nữa, bác tôi đã mất cách đây gần 2 tháng. Bác ra đi thanh thản, nhẹ nhàng vào một ngày cuối hạ. Cuộc đời bác trải qua những thăng trầm, có những lúc bao trùm bởi nỗi buồn nghiệt ngã, cũng có lúc là niềm hạnh phúc đoàn viên. Dù cuộc sống thế nào bác vẫn giữ cốt cách “hành thiện” truyền thống của làng. Xuyên suốt cuộc đời bác là sự giản dị, mộc mạc, chân thành. Bác đã hoàn thành sứ mệnh của người gìn giữ văn hóa, truyền thống tốt đẹp của làng, gửi lại tình yêu nơi nhân gian, bác biến thành ánh sáng trở về trời.
Trên bến sông hôm nay, cơn gió heo may lướt qua bụi chuối đầu mom, những tia sáng lấp lánh trên mặt nước dập dìu từng nhịp, tôi nghe văng vẳng có tiếng dô huầy.
Bích Hảo