Sức sống của làng Hành Thiện, nơi 70 năm trước có hàng trăm người từng bị quy địa chủ – Kỳ I

0
94

Có thể nói, những sai lầm trong cải cách ruộng đất (CCRĐ) năm 1953 ở nước ta là nghiêm trọng, đau xót. Song, thành tựu của một cuộc Cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cũng đã phải đổ biết bao máu xương của cả dân tộc ta mới có được. Điều đó cũng lại không thể phủ nhận. “Cải cách ruộng đất là một cuộc vận động lớn trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc vận động ấy cǎn bản đã thắng lợi, nhưng chúng ta đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng; qua sửa sai những sai lầm đó đã được sửa chữa và những thành quả của cải cách ruộng đất đã được giữ vững và phát huy thêm.” (trích NQ 14 của BCH Trung ương, khoá 2).

ôi là người sinh sau CCRĐ. Thế cho nên không hiểu sâu bằng những người trong cuộc. Nhưng nghe ông bà mình, cha mẹ mình cả bên nội bên ngoại kể lại cộng với việc đọc sách báo cũng như cái nghề viết lách cả đời người nên có tìm hiểu thì đây quả là câu chuyện dài đau xót. Sai lầm này, Đảng ta đã nhận lỗi trước toàn thể đảng viên và nhân dân. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng ta, kể cả TBT Trường Chinh cũng xin từ chức, Uỷ viên BCT Lê Văn Lương và Hoàng Quốc Việt đều xin thôi chức. Riêng ông Hồ Viết Thắng còn phải rời khỏi BCH Trung ương Đảng vì đồng trách nhiệm và đã phải nhận khuyết điểm trước Đảng, trước dân.

Có điều, ít người biết rằng, ngay chính gia đình cố TBT Trường Chinh ngày đó tại quê nhà cũng đã khốn đốn ra sao khi Đội cải cách họ đến rồi lôi người thân của ông ra đấu tố, truy bức.

TBT Trường Chinh báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh về kế hoạch CCRĐ

Kỳ 1

Sai lầm trong CCRĐ là nghiêm trọng nhưng không thể phủ nhận những thành quả của một chính sách tốt đẹp.

Nghị quyết 14 của BCH Trung ương Đảng ,khoá 2 ra đời đã có những nhìn nhận về thành tựu cơ bản trong CCRĐ dù rằng chúng ta đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Theo như NQ 14 đã đề cập thì đại để là: Nǎm 1953, cuộc kháng chiến đã bước vào nǎm thứ bảy và đang ở vào thời kỳ gay go, quyết liệt; yêu cầu về bồi dưỡng lực lượng nông dân, lực lượng kháng chiến càng trở nên cấp bách.

Việc thực hiện những cải cách dân chủ ở nông thôn từ sau Cách mạng Tháng Tám và nhất là từ nǎm 1949 trở đi, tuy đã đem lại những kết quả quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ để thoả mãn yêu cầu đó. Đời sống của nông dân nói chung, nhất là của bần, cố nông, còn gặp nhiều khó khǎn.

Ở vùng tự do, đứng trước việc ta kiên quyết thi hành các chính sách giảm tô, giảm tức, thuế nông nghiệp, dân công, v.v. thái độ của giai cấp địa chủ đại khái như sau: Một số địa chủ ngoan cố tìm mọi cách chống đối ra mặt, số đông vừa thi hành vừa chống lại bằng cách này hoặc cách khác và một số ít địa chủ tuân theo pháp luật, chịu thi hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ. Mặt khác, đế quốc Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương; thực dân Pháp và can thiệp Mỹ có những âm mưu mới nhằm lừa phỉnh nhân dân ta, phá hoại đoàn kết dân tộc, tiêu diệt lực lượng kháng chiến.Trong vùng tạm bị chiếm, bọn địa chủ phản động cấu kết chặt chẽ với thực dân xâm lược, tích cực hoạt động chống kháng chiến, tǎng cường áp bức, bóc lột nhân dân.

Đầu nǎm 1953, để bồi dưỡng nông dân, củng cố khối liên minh công nông, đẩy mạnh kháng chiến, Đảng ta đã đề ra chính sách phát động quần chúng triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất. Việc đề ra chính sách đó là đúng và cần thiết.

Theo đánh giá trong NQ 14 thì “Mặc dù nội dung của những biện pháp ấy còn có chỗ chưa được thoả đáng và trong việc thi hành còn nhiều thiếu sót, chúng ta cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều nơi nông dân đã được giảm tô 25% (có nơi giảm đến 50%) và được sử dụng một phần ruộng đất của đế quốc, phong kiến; đời sống của họ nói chung đã được cải thiện một phần. Tính đến trước phát động quần chúng giảm tô (4/1953) riêng trong 3.653 xã đã thống kê được ở miền Bắc, số ruộng đất do chính quyền nhân dân đem tạm chia, hoặc do địa chủ phân tán vào tay nông dân là trên 50 vạn hécta; và riêng ở Nam Bộ ta đã chia cho nông dân 41 vạn hécta ruộng đất của thực dân Pháp và của địa chủ phản động. Tuy vậy, trên tư tưởng, chúng ta vẫn cho rằng không nên và cũng không thể thực hành cải cách ruộng đất rộng rãi trong kháng chiến, sợ “vỡ khối đại đoàn kết”.

Luật CCRĐ được Quốc hội thông qua

Ngày 25/8/1956, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng) BCH TƯ Đảng Lao động Việt Nam (khóa 2) bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự phê bình một cách nghiêm túc: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ và làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta…”.

Ngoài mặt tích cực với đa số nông dân nghèo không một tấc đất cắm dùi thì để hiểu được câu chuyện bi thương ở khía cạnh oan khuất, có lẽ chúng ta cũng không nên né tránh nó nữa bởi chuyện đã 70 năm. Hậu thế nay họ cũng rất cần biết, đâu là thành công, đâu là sai lầm và sai lầm do nguyên nhân gì để mà biết rồi xem đó như một bài học của người làm cách mạng luôn vì dân,vì nước phục vụ. Đó mới là thái độ nghiêm túc của người cộng sản. Nhất là hiện nay, có nhiều thông tin xấu độc trên mạng xã hội luôn tấn công lại chế độ ta, nếu như chúng ta không lên tiếng một cách khách quan, trung thực để hậu thế biết thì đâu phải đã là điều hay. Chủ động thông tin bao giờ cũng đều tốt và tích cực.

Chúng ta hẳn có biết, tuy không nhiều, nhưng tựu trung lại thì cần hiểu sâu xa rằng: Sau cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc. Liên Xô (cũ) lúc này cũng đang rất khó khăn, hạn chế cả về tiềm lực quân sự lẫn kinh tế. Bạn cũng bày tỏ quan điểm với Việt Nam ta là nên dựa vào Trung Quốc vì cùng là 2 nước láng giềng gần gụi,cùng châu lục nên dễ sẻ chia .

Theo cuốn Hồi ký “Cố vấn Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam” mà Bộ Ngoại giao Việt Nam tập hợp, do dịch giả Dương Danh Hy dịch và hiệu đính (xuất bản năm 2001) thì Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ 1949 đã gửi thư cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, đề nghị Bạn cử các cố vấn sang giúp đỡ chúng ta.

Ban đầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo sẽ cử một đoàn công tác do ông La Quý Ba là Bí thư tỉnh uỷ của một tỉnh Trung Quốc (và cũng là Chính uỷ cấp Quân khu) sang Việt Nam giúp ta 3 tháng. Đoàn cố vấn của Bạn còn được coi như đại diện Đảng CSTQ sang giúp chúng ta về các mặt. Thậm chí ta họp cấp Bộ Chính trị, Bạn cũng ngồi nghe(!).

Mà thế e rằng cũng không ổn – tác giả bài viết này có nghĩ thế.

Thư này được Đảng CS Trung Quốc thông báo từ 17/1/1950 nhưng đến ngày 9/3 thì Đoàn cố vấn mới chính thức sang ta.

Trong thực tế, đoàn cố vấn sang Việt Nam gần 8 năm họ mới về nước. Các quan điểm cũng như đề xuất về CCRĐ của Tổng cố vấn Trung Quốc La Quý Ba từ tháng 10/1953 với tư cách cố vấn về công tác chính trị, công tác Đảng và chính sách( trong đó có CCRĐ) là rất hệ trọng .

Riêng mảng quân sự ban đầu thì cũng do ông La Quý Ba phụ trách nhưng sau đó thì do Tướng Vi Quốc Thanh làm Tổng cố vấn riêng.

Có lẽ sai lầm của chúng ta về CCRĐ cũng bắt đầu từ đây mà ra (?!).

Tuy nhiên, nói cho thật công tâm thì khi đó chúng ta còn vô cùng khó khăn khi đánh Pháp, rất cần Bạn bè quốc tế giúp. Cho nên về viện trợ quân sự, kinh tế cũng như việc Trung Quốc sang làm cố vấn cho ta đều là những nội dung quan trọng. Chúng ta không thể phủ nhận sạch trơn, thậm chí là biết ơn họ trong một số công việc. Tuy nhiên, trong tham mưu cho ta về CCRĐ thì đúng là sai lầm ở rất nhiều vấn để mà chủ yếu do quá tin vào phía Trung Quốc, thiếu đi sự vận dụng sao cho phù hợp thực tế hơn ở Việt Nam.

Đầu năm 1953, Hội nghị lần thứ 4 của BCH Trung ương Đảng (khoá 2) đã thông qua “Dự thảo cương lĩnh về chính sách ruộng đất”. Chúng ta thì đương nhiên không có kinh nghiệm nên Trung Quốc đề xuất ra sao, chúng ta cũng tiếp thu,triển khai vì biết Trung Quốc họ cũng đã từng làm, có những thành công nhất định. Tuy nhiên, cái dở của ta chính là khi vận dụng vào nước mình thì lại dập khuôn cứng nhắc, thiếu sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Thậm chí trong một nước nhưng giá như khác miền thì lẽ ra cũng nên có sự vận dụng khác nhau …

Trong thời kỳ Đảng ta còn hoạt động bí mật, chưa công khai thì chúng ta cũng chứng kiến Đảng của mình đã từng xuất hiện một nhà lãnh đạo cách mạng Trường Chinh rất xuất sắc. Trong khi kẻ địch tuyên cáo tử hình vắng mặt ông. Những thông báo treo thưởng lớn nếu ai bắt được Tổng bí thư Trường Chinh được dán đầy thành thị và nông thôn. Vậy mà ông vẫn cải trang vào nội thành Hà Nội. Mục đích để trực tiếp gặp một người rất quan trọng, có cảm tình với Cách mạng đang làm công chức cao cấp tại Phủ toàn quyền. Ông muốn gặp để bàn chuyện chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa thì thật dũng cảm vô cùng. Và sự dũng cảm, bản lĩnh đó lại thêm một lần khi ông đã chủ động nhận ra sai lầm trong CCRĐ rồi kịp thời sửa sai, gánh phần trách nhiệm nặng nhất, không đổ lỗi cho đồng chí mình .

Tháng 9/1956, trong Hội nghị Trung ương về vấn đề sửa sai cải cách ruộng đất, ông chủ động xin từ chức Tổng Bí thư là như vậy.

Có lẽ với một nhà lãnh đạo cao cấp như TBT Trường Chinh, nhân cách đó, sự dũng cảm đó thật cao quý và rất đáng nể trọng.

Có lẽ cũng vì thế mới có chuyện tròn 30 năm sau (1986), trước tình thế của nước nhà buộc phải tính chuyện “Đổi mới hay là chết?” thì với trọng trách của một nhà lãnh đạo khi ông đã cao tuổi nhưng đồng ý đứng ra nhận nhiệm vụ trước sự tín nhiệm của Trung ương. Ông đã thay Cố TBT Lê Duẩn vừa mất để làm TBT khi thời gian Đại hội đã rất cận kề .

Thế nhưng ông vẫn mạnh mẽ quyết định thay đổi Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 6 để đưa đất nước đi theo con đường Đổi mới. Chỉ nhờ có vậy, đất nước ta mới phát triển như bây giờ .

GS Lê Văn Viện kể “Một buổi sáng cuối tháng 9/1986, tôi cùng đoàn cán bộ xuống nhà nghỉ Vạn Hoa – Đồ Sơn họp khẩn cấp với Tổng Bí thư Trường Chinh. Có mặt ở cuộc họp này là toàn bộ tổ biên tập văn kiện Đại hội 6 (do ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng làm tổ trưởng và Đào Duy Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng làm tổ phó) cùng một số chuyên viên trong nhóm tư vấn của Tổng Bí thư. Chính tại đây, ông Trường Chinh tuyên bố: “viết lại toàn bộ báo cáo chính trị của Đại hội”.

Ông Trường Chinh đã đi đến một quyết định táo bạo như vậy là để quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối Đổi mới. Chấp nhận hy sinh, mất mát để khắc phục những hậu quả sai lầm.

Tư tưởng dũng cảm và bản lĩnh của người đứng đầu Đảng ta trong thời điểm khó khăn đó đã thêm một lần nữa chứng minh bản lĩnh của người cộng sản đích thực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nếu có sai thì sai đâu sửa đó. Điều này rất đúng tinh thần mới như hôm nay Đảng ta đã và đang xây dựng trong toàn Đảng một phong cách làm việc mới cho người lãnh đạo.

Quốc Phong

Nguồn: https://nguonluc.com.vn/suc-song-cua-lang-hanh-thien-noi-70-nam-truoc-co-hang-tram-nguoi-tung-bi-quy-dia-a10892.html