Làng tôi có 2 trung tướng anh hùng

0
123

Làng tôi không chỉ có nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều tướng lĩnh, mà còn sản sinh ra nhiều anh hùng. Trong đó, có 2 trung tướng vừa được phong và truy phong Anh hùng LLVTND một đợt.
Làng Hành Thiện quê tôi thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Làng tôi không phải là ngôi làng giàu có, sung túc về tiền của vì đất chật người đông. Thế nhưng người làng luôn trọng hiền tài và sống tình, trọng nghĩa.

Về địa lí, có lẽ Hành Thiện nằm trong số những làng cổ, đẹp hiếm có của nước ta. Làng tôi thời hiện đại không chỉ có nhiều tiến sĩ (209 vị), nhiều giáo sư, phó giáo sư (gần 80 vị), không chỉ nhiều tướng lĩnh (12 vị)… mà còn là ngôi làng sản sinh ra nhiều anh hùng.

Hành Thiện còn có một nhà cách mạng kiệt xuất của Đảng, của đất nước: cố Tổng bí thư Trường Chinh.

Đến nay, Hành Thiện đã có 7 vị được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó có 5 vị là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) và 2 Anh hùng Lao động (AHLĐ) thời kỳ Đổi mới… Đặc biệt, có 2 Trung tướng vừa được phong và truy phong Anh hùng LLVTND một đợt. Quyết định vừa được Chủ tịch nước ký hôm nay. Đó là Trung tướng Đặng Quân Thụy và cố Trung tướng Đặng Kinh.

  1. Vị chỉ huy từng trọn đời Nam chinh, Bắc chiến và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn

Trung tướng Đặng Quân Thụy sinh năm 1928, từng học bậc tú tài tại Trường Bảo hộ Đông Dương ở Hà Nội rồi tham gia cách mạng năm 1944. Năm 1946, ông tham gia Nam tiến và bị thương tại Tây Nguyên.

Sau khi chữa lành vết thương, ông Đặng Quân Thụy được Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái tin tưởng giữ lại Bộ Tổng tham mưu làm tổ trưởng tổ Chiến sự thuộc Phòng Tác chiến (1947) rồi làm bí thư (nay gọi là trợ lý) cho chính Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học chúc mừng Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Tư lệnh Binh chủng nhân dịp Trung tướng được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Ảnh: Binh chủng Hóa học

Trong chiến tranh chống Mỹ, ông vào chiến trường chiến đấu từ năm 1965 cho đến 1973 tại Nam Bộ và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Ông đã kinh qua nhiều cương vị như Phó trưởng phòng Tác chiến, Trưởng phòng Hoá học, Bộ Tham mưu Quân giải phóng miền Nam, Tham mưu phó Mặt trận B2…

Năm 1974, ông nhận trọng trách Cục trưởng Cục Hóa học, Bộ Tổng Tham mưu rồi làm Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Hoá học (năm 1977).

Năm 1986, ông được cử làm Phó tư lệnh Quân khu 2. Có một thời gian ông trực tiếp kiêm Tư lệnh Mặt trận Vỵ Xuyên, Hà Giang. Năm 1987, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu.

Năm 1992, Trung tướng Đặng Quân Thuỵ được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội. Ông từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam rồi mới nghỉ công tác.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

  1. Người chỉ huy trận đánh có một không hai trong kháng chiến chống Pháp, tiêu diệt 59 máy bay chỉ trong 1 trận đánh

Cố Trung tướng Đặng Kinh (1921-2019), nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, từng được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh từ năm 1994 cùng nhiều huân chương chiến công khác. Ông cũng từng giữ cương vị Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Tư lệnh và Phó tư lệnh Quân khu Trị – Thiên – Huế và Tư lệnh Quân khu 3.

Trung tướng Đặng Kinh (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng phu nhân (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phu nhân cùng con cháu của hai gia đình trong một lần hai vị lão tướng gặp nhau. Ảnh do gia đình cung cấp

Ông vừa được truy tặng danh hiệu AHLLVTND thời kỳ chống Pháp khi giữ trọng trách tỉnh đội trưởng tỉnh Kiến An với nhiều chiến công hiển hách.

Trong lý lịch tham gia cách mạng, ông khai quê ông là Kiến An, Hải Phòng nhưng thực ra ông nội ông rời quê Hành Thiện đi làm ăn tại Hải Phòng. Ông thuộc gốc họ Đặng Trần của cụ Đặng Trần Lâm, thuộc dòng tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, sau dạt về Hành Thiện vì triều đình có biến, phải đổi sang họ Đặng.

Chỉ trong cùng một đợt xét tặng thưởng AHLLVTND kỳ này, dù cả nước chỉ có 2 cá nhân được xem xét thành tích trong kháng chiến chống Pháp thì cả hai ông Đặng Kinh và Đặng Quân Thuỵ đều là Trung tướng, đều là người làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, đều từng là Tư lệnh Quân khu, cùng là lão thành cách mạng.

Trong thời gian giữ cương vị tỉnh đội trưởng Kiến An, ông Đặng Kinh đã chỉ huy trận đánh vào sân bay Cát Bi có một không hai trong lịch sử quân sự nước nhà. Đó là thời điểm chỉ cách 1 tuần trước khi quân đội ta khai màn chiến dịch tập kích cứ điểm Điện Biên Phủ (cùng tháng 3/1953).

Nếu trong chiến dịch 55 ngày đêm tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta phá huỷ và bắn rơi 62 máy bay Pháp thì nội một trận đánh sân bay Cát Bi, với 32 cán bộ chiến sĩ tham gia trong 17 giờ mà ông Đặng Kinh chỉ huy, chúng ta đã phá huỷ 59 máy bay Pháp.

  1. Bác sĩ quân y đầu tiên được phong tặng danh hiệu AHLLVTND, vị chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thần kinh

Ông là cố giáo sư, tiến sĩ, Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Phạm Gia Triệu (1918-1990), nguyên Phó giám đốc bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Ông là người đầu tiên của làng tôi được Nhà nước phong anh hùng. Ông cũng là bác sĩ đầu tiên trong ngành quân y được phong AHLLVTND (1/1967).

Thiếu tướng Phạm Gia Triệu

Năm 1938, chàng thanh niên Phạm Gia Triệu vào học trường ÐH Y Hà Nội, để rồi đúng tháng 9/1945, khi Cách mạng thành công, ông tốt nghiệp bác sĩ, vào Quân y với chuyên ngành ngoại khoa.

Khi ông phụ trách một trạm Quân y ở Ðệ tứ Chiến khu (Ðông Triều) thì bị giặc Pháp vây ráp và địch vận động ông chiêu hồi. Chúng hứa sẽ cho sang Pháp làm tiếp thạc sĩ y khoa, hưởng cuộc sống giàu sang. Ông khước từ và kiên cường chiến đấu, phụng sự Tổ quốc.

Ông đã có mặt ở nhiều nơi vào những thời điểm quyết định của lịch sử: chiến dịch Biên giới, chiến dịch Ðiện Biên Phủ, chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông từng bảo vệ luận án Tiến sĩ Y khoa tại Liên Xô (cũ) năm 1961 về phẫu thuật thần kinh. Năm 1963, ông viết cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam về phẫu thuật thần kinh có tựa đề “Chấn thương thần kinh”.

Sau này, ông tiếp tục có hàng loạt công trình khoa học về u não, về bệnh lý mạch máu não và vết thương sọ não, cột sống. Năm 1980, ông được phong hàm giáo sư, được xem là một chuyên gia đầu ngành của y học nước nhà về phẫu thuật thần kinh. Ông được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (1989).

  1. Nữ Anh hùng liệt sĩ 19 tuổi khiến kẻ phản bội ám ảnh suốt 4 năm để rồi phải tìm cách chuộc lỗi lầm

Nữ liệt sỹ AHLLVTND Ðặng Thị Kim (tức Oanh – 1929-1948) là nguyên chi ủy viên chi bộ Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Xuân Hải, huyện Vĩnh Xuyên, Ủy viên BCH Phụ nữ cứu quốc thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa kiêm tiểu đội trưởng nữ du kích địa phương.

Liệt sĩ Đặng Thị Kim tham gia cách mạng từ khi 16 tuổi

Người nữ du kích ấy lúc bị địch bắt lại là vợ của Phó bí thư tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Khánh Hoà. Một lần chị và đồng đội bị địch phục kích. Chị bị một kẻ phản bội, phiên dịch của Pháp chỉ điểm, nói chị là vợ lãnh đạo lớn của tỉnh.

Khi chúng đưa chị ra bãi biển chém đầu, chị đã nói với tên chỉ điểm rằng, tôi đang mang thai đã 3 tháng, hãy để tôi sinh nở xong… Nhưng chúng không chịu và chém chị ngay tức khắc vì bất lực, không khai thác được bất cứ điều gì nơi chị.

Câu chuyện chị nhổ nước miếng vào mặt kẻ chỉ điểm và lớn tiếng nguyền rủa khinh bỉ người đó khi bị tra tấn được nhiều người biết đến.

Hài cốt người nữ Anh hùng tuổi 19 Ðặng Thị Kim vào năm 2010 đã được đưa về nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Hồng quê hương.

  1. Chàng “hoàng tử bầu trời” Nguyễn Đăng Kính được tuyển chọn học phi công lái máy bay chiến đấu khi văn hoá mới lớp 4.

Thiếu tướng Nguyễn Ðăng Kính (sinh năm 1941) là một phi công lái máy bay chiến đấu.

Thiếu tướng Nguyễn Ðăng Kính (phải) trong một lần cùng tác giả về dự hội làng Hành Thiện. Ảnh: Phong Doanh

Ông nguyên là Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự trung ương. Ông được phong AHLLVTND năm 2012 do có nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ…

Tướng Nguyễn Ðăng Kính còn là tấm gương nghèo vượt khó của làng Hành Thiện. Ông chỉ được học bình dân học vụ hết lớp 2 (sau hoà bình năm 1954) rồi đi nghĩa vụ quân sự vào năm 1959 khi tròn 18 tuổi. Khi trúng tuyển đi học phi công chiến đấu, ông phải học văn hoá cấp tốc.

Trong chiến đấu, do cách đánh và sự dũng cảm, ông từng được báo chí ví như một vị “hoàng tử bầu trời”.