Nhân cách của người 3 lần làm Tổng Bí thư Đảng

0
163

Kỷ niệm Quốc khánh 2/9 là dịp hướng tới 35 năm ngày mất của cố Tổng Bí thư Trường Chinh (30/9/1988-30/9/2023). Đây cũng là lúc để ôn lại những đóng góp to lớn của ông đối với Đảng, với nhân dân Việt Nam với tư cách một nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Trước tiên, phải khẳng định, gia thế, dòng tộc đã góp phần quan trọng trong việc hình thành một nhà lãnh đạo tầm cỡ và một nhân cách lớn.

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Ảnh tư liệu

Theo sử sách, năm 1511 (triều Lê sơ), Trần Tuân (cháu Trần Cận) cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở vùng Hưng Hoá, Sơn Tây và Vĩnh Phúc. Họ kéo xuống vùng Từ Liêm uy hiếp kinh thành Thăng Long. Triều đình khép Trần Tuân vào tội phản loạn và truy nã nên họ Trần (nhánh Trần Cận, Trần Du, Trần Lâm) phải đổi sang họ Đặng sống tại Chương Mỹ (Hà Nội bây giờ). Cụ Trần Lâm đổi họ thành Đặng Trần Lâm từ đó.

Cụ Đặng Chính Pháp (con cháu cụ Đặng Trần Lâm) di cư về làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định) lập nghiệp. Tuy ở xa đến, nhưng chẳng bao lâu, họ Đặng trở thành một hiển tộc của làng Hành Thiện với rất nhiều người rất giỏi giang mà Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng – Tuần phủ Hải Dương (ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh) là một trong số đó…

Tìm hiểu thêm tài liệu được biết, cụ Đặng Trần Lâm là con trai của Tiến sĩ Trần Văn Huy, cháu Trần Quốc Hiệu (tức Hưng Trí Vương- người con trai thứ tư của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn) (theo cuốn” Trường Chinh, Tiểu sử”, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, trang 23).

Như vậy, ông Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu) được thừa hưởng truyền thống gia đình, quê hương (cả mới và cũ), đồng thời kế thừa dòng dõi nhà Trần danh giá với nhiều phẩm chất đặc biệt.

Trở lại với con người Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng – Tuần phủ Hải Dương (ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh). Cụ được coi là một người nổi tiếng về ý chí, học hành và thành đạt trên con đường khoa bảng. Cụ Đặng Xuân Bảng xứng đáng đậu Hoàng giáp nhưng vì bạo gan dám khuyên nhà vua “đừng quá mải vui săn bắn mà quên việc nước” khiến vua không bằng lòng, bị giáng xuống chỉ cho đỗ đầu Tam giáp Tiến sĩ.

Nhà cụ ở làng Hành Thiện đồng thời còn là thư viện tư nhân (có tên Hy Long) lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ thế kỷ thứ 19 và chàng trai Đặng Xuân Khu đã được truyền thụ kiến thức từ đây. Chàng trai trẻ ấy đã hết sức khâm phục Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1226-1300)- người để lại cho hậu thế những di sản thật đáng tự hào. Đầu tiên, đó là tư tưởng – một chủ thuyết quan trọng: luôn vì Dân và nghĩ đến Dân. Trước khi mất, Hưng Đạo Đại vương đã nói với đức Vua: “Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách để giữ nước!”…

Và rồi trong dòng tộc của người, vào khoảng hơn 600 năm sau, có thêm một nhân vật đi vào lịch sử. Đó là cố Tổng Bí thư Trường Chinh (năm 1907-1988).

Ảnh tư liệu

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh sinh năm 1907, tên khai sinh là Đặng Xuân Khu. Ông sinh ra là lúc Nho học đã ở buổi xế chiều. Do truyền thống gia đình, được sự giáo dục của cha từ nhỏ, Đặng Xuân Khu đã làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thơ Đường và được đào tạo bài bản về văn hóa và lịch sử theo truyền thống Nho học. Ông cũng sớm tiếp thu kiến thức của nền giáo dục phổ thông chủ yếu học bằng tiếng Pháp của chế độ thuộc địa. Ông theo học tại Trường Thành Chung, Nam Định cho đến khi bị đuổi học do đấu tranh chống chính quyền đòi làm lễ truy điệu cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh.

Tuy giành thắng lợi nhưng sau đó ông bị đuổi học vĩnh viễn bởi ông là một trong những thủ lĩnh của phong trào bị mật thám bắt được. Ông phải lên Trường Trung học Bảo hộ ở Hà Nội thi tốt nghiệp để lấy bằng vào học trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương.

Môi trường văn hoá cao ở một gia đình trí thức lớn đã khiến kiến thức của chàng sinh viên Đặng Xuân Khu sau đó trở nên uyên thâm, sắc sảo, hiện đại hơn (nhờ biết kết hợp có sự chắt lọc những tinh hoa của văn hóa phương Tây) trước khi trở thành một nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng.

Ông là vị lãnh tụ có nhân cách lớn. Nhân cách đó gắn với tư tưởng yêu nước, thương dân. Bài học “lấy dân làm gốc” của cố Tổng Bí thư Trường Chinh phải chăng chính là do ông học được từ các bậc tiền nhân?

Trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử 3 nước Đông Dương, ông đã 3 lần được Đảng tín nhiệm giao đảm trách cương vị Tổng Bí thư trong 3 thời kỳ khác nhau của Cách mạng Việt Nam và Đông Dương.

Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn, kiêm chủ bút báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản” cơ quan Trung ương của Đảng, Trưởng Ban Công vận Trung ương.

Năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, ông tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Tháng 7/1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đầu năm 1987, Quốc hội họp kỳ thứ nhất, ông rút hoàn toàn chức vụ, làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban soạn thảo Cương lĩnh và chiến lược kinh tế, kiêm Trưởng tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng.

Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!”. Ảnh tư liệu
Nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng được nhớ đến bằng những cụm từ “Vị Tổng Bí thư của Cách mạng Tháng Tám hoặc vị Tổng Bí thư- Kiến trúc sư của công cuộc Đổi mới”. Ông vinh dự nhận Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước và rất nhiều huân chương cao quý khác…

Cả 3 lần ông nhậm chức Tổng Bí thư đều có những những điểm rất đặc biệt của lịch sử dân tộc. Qua đó, ông đều bộc lộ tầm cao của một trí tuệ.

Đó là tầm nhìn của một một lãnh tụ kiệt xuất; là những quan điểm, tư tưởng mang tính sáng tạo về chiến lược và sách lược, thể hiện ở phương pháp cách mạng khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là việc luôn nắm bắt và chớp thời cơ; có tư duy đổi mới, sáng tạo đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách.

Cần nói thêm rằng ông cũng sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về những sai lầm khi chỉ đạo cải cách ruộng đất và rồi lại lãnh đạo công tác sửa sai sau đó. Tất cả những điều đó toát lên bản lĩnh một nhà lãnh đạo tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân.

Cụ thể hơn, đó là nhà lãnh đạo dũng cảm, dám chịu trách nhiệm khi có sai lầm cũng như thể hiện những phẩm chất hiếm có trong tổ chức lãnh đạo kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống Pháp và xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến (1946-1954) và dấu ấn cuối cùng chính là dũng cảm xoá bỏ tư duy bao cấp kế hoạch hoá không còn phù hợp để phát triển kinh tế, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng bằng sự nghiệp Đổi mới (1986).

Lần đầu ông Trường Chinh đảm nhận cương vị quyền Tổng Bí thư (1940) ngay khi vừa được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương rất đặc biệt – thay Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (người bị địch bắt và kết án tử hình, hy sinh tháng 8/1941).

Sau đó, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941). Khi cả Ban Thường vụ Trung ương Đảng lần lượt bị địch lùng sục, bắt bớ, giam cầm và xử tử thì ông đã được Đảng tin tưởng giao trọng trách chèo lái con thuyền cách mạng đi đúng hướng.

Ngay thời điểm vô cùng gian khó này, Tổng Bí thư Trường Chinh nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của văn hoá với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Bản Đề cương Văn hoá chỉ khoảng 1.500 từ nhưng gần như một Cương lĩnh Chính trị, Cương lĩnh Văn hoá của Đảng ta trên con đường giải phóng đất nước, thoát khỏi ách áp bức của chế độ thực dân và phong kiến.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, ông cũng chứng minh tài thao lược của một nhà lãnh đạo xuất sắc với vai trò là người được Bác Hồ tin tưởng giao ông làm “Tổng Tư lệnh”, phát động nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng thần kỳ giành độc lập, tự do cho dân tộc, lập nên nhà nước non trẻ của giai cấp công nông mà đặc biệt đã có sự nhạy bén kịp thời để ban hành chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!”. Tiếp đó là chủ trương được ông hoạch định và viết như một sách lược của Đảng, đó là ” Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi !”.

Không chỉ có vậy, khi đất nước đứng bên bờ vực của cuộc khủng hoảng kinh tế (1986), với trọng trách là Tổng Bí thư, ông cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xoá bỏ tư tưởng trì trệ, quyết liệt đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế. Một câu nói bất hủ ngày đó trong dịp Đại hội Đảng bộ Thủ đô, ông đã nhìn nhận thời điểm lúc đó, đất nước ta chỉ có một con đường: “Đổi mới hay là chết ?” Ông là người lát viên gạch đầu tiên để xây nên ngôi nhà “đổi mới” và cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TƯ Đảng hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội 6.